Hoạt động thống kê phải công khai, minh bạch, khách quan và độc lập
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân DũngQuy định cụ thể hơn việc minh bạch thông tin, chia sẻ thông tin thống kê
 
Sửa đổi lần này, tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, quan trọng nhất là liên quan đến tính chính xác của thông tin. Thứ hai là liên quan đến mạng lưới của công tác thống kê còn cồng kềnh, thiếu hiệu quả. Hai tồn tại này gắn với nhiều vấn đề, trong đó tôi nghĩ gắn nhiều nhất đến cuộc cách mạng khoa học công nghệ gần đây. 

Trong dự thảo luật sửa đổi có 2 chương tôi rất thấm thía đó là Chương V là chương mới mà trước kia là điều 5 của Luật Thống kê năm 2003, nay được nâng thành 1 chương gồm điều 44, 45, 46. Chương thứ hai là Chương VI, liên quan đến sử dụng số liệu thống kê chính thức. Tôi cho rằng, đây chính là hai chương gỡ nút bất cập của công tác thống kê mà Tờ trình đã nêu. Tuy nhiên, cần phải quy định sâu thêm, cụ thể thêm nữa. Tôi có cảm giác là luật này mới chỉ được xây dựng dựa trên tư duy của bộ máy thống kê nằm ở Bộ Kế hoạch Đầu tư. Thực ra không chỉ 6.500 người nằm ở đây, mà tính cả hệ thống thì lên đến cả ngàn người, vô cùng nhiều, vô cùng cồng kềnh. Thế nhưng hiệu quả và tính chính xác thì vẫn chưa đạt được. Tôi thấy các quy định của chương V rất hợp lý, muốn thông tin được chính xác chính là ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ thông tin và minh bạch thông tin. Nếu chia sẻ thông tin tốt, minh bạch thông tin tốt thì đội ngũ này không cần nhiều đến vậy. Liên quan đến các quy định này, cần phải quy định rõ hơn, cụ thể hơn việc bắt buộc sử dụng công nghệ thông tin, chia sẻ thông tin, minh bạch thông tin thì dứt khoát tính chính xác của thông tin thống kê sẽ được nâng lên. Khi đó, đội ngũ sẽ đỡ cồng kềnh và đặt cơ quan này ở đâu cũng không quan trọng vì tất cả minh bạch rồi.  

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Hoạt động thống kê cần công khai, minh bạch, khách quan và độc lập

Sửa đổi Luật thống kê lần này kỳ vọng giải quyết các hạn chế đặt ra của luật thống kê hiện hành. Đó là chưa cập nhật với chuẩn mực của hệ thống thống kê quốc tế. Thứ nữa, yêu cầu của hoạt động thống kê phải công khai, minh bạch, khách quan và độc lập. Vấn đề nữa là nhằm khắc phục được tình trạng các xã, huyện, tỉnh thống kê tăng trưởng kinh tế rất cao, các địa phương đều 11, 12, 13% nhưng trung ương thống kê lại thì con số chỉ có 5, 6%, tạo ra độ chênh lệch khá lớn. Đây cũng là bức xúc đặt ra cần phải có sửa đổi. 

Theo tôi, giống như luật Kế toán, Luật Thống kê đưa ra nguyên tắc cơ bản, đưa ra khung. Còn tiếp tục các vấn đề như hệ thống thống kê, chỉ tiêu thống kê như thế nào thì quy định giao Bộ Kế hoạch Đầu tư, Tổng cục Thống kê nghiên cứu trình Chính phủ quyết định. Ví dụ như điều 14 chỉ quy định có hệ thống thống kê của tỉnh, của huyện, của xã còn hệ thống chỉ tiêu thống kê như thế nào thì lại giao Chính phủ ban hành. Nếu quy định cụ thể tôi nghĩ cũng khó, có thể cụ thể được nhưng luật rất dày.

Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, tôi đồng tình với Tờ trình của Chính phủ, chỉ quy định ở phạm vi thống kê chính thức. Còn các hệ thống thống kê khác, không chính thức thì chúng ta không thể quy định được. 

Và theo tôi, vấn đề quan trọng nhất là làm sao mang lại cảm giác thống kê mang tính độc lập cao. Dù nói thế nào đi nữa, nếu khi Chính phủ công bố, hay Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, hay Tổng cục Thống kê công bố thì người ta vẫn bảo rằng đây là cơ quan của Chính phủ, nên kiểu gì cũng có những điểm nghi ngờ. Nhưng theo tôi đây không phải vấn đề quan trọng. Quan trọng là việc đưa ra các nguyên tắc làm sao để những số liệu thống kê mang tính độc lập. Phải chăng cần quy định ở điều 23 quyền và nghĩa vụ của điều tra viên. Điều tra viên này phải độc lập, không ai can thiệp được. Không ai có thể xuyên tạc làm cho méo mó số liệu đi. 

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị MaiCần làm rõ hệ thống, phạm vi thống kê chính thức

Về hệ thống thống kê quốc gia, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hệ thống thống kê quốc gia. Khoản 2, điều 11, dự thảo Luật quy định hệ thống thông tin thống kê quốc gia gồm: thông tin thống kê do hệ thống tổ chức thống kê tập trung trực tiếp thực hiện và thông tin thống kê do Bộ, ngành thực hiện, cung cấp cho Cơ quan Thống kê Trung ương để tổng hợp theo quy định của pháp luật. Khoản 3 quy định hệ thống thông tin thống kê Bộ, ngành phản ánh tình hình KT- XH chủ yếu của ngành, lĩnh vực nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý của bộ, ngành và hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia, phù hợp với khoản 2. Nhưng tới khoản 4 dự thảo luật quy định hệ thống cấp tỉnh cũng hình thành hệ thống thống kê cấp quốc gia thì không đồng bộ. Khi nói hệ thống thông tin cấp quốc gia bao gồm tập trung và của bộ, ngành nhưng xuống tới cấp tỉnh chúng ta cũng quy định thống kê cấp tỉnh cũng hình thành hệ thống thông tin cấp quốc gia. Cấp huyện, xã chỉ ghi nhưng không nói tác động của thông tin cấp huyện, cấp xã tác động mức độ nào? Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng công bố trước QH khi nói về thống kê và dự báo, đánh giá thì có thông tin 40% được thực hiện qua Tổng cục Thống kê, 60% còn lại là từ các địa phương cộng lại để lên các con số thống kê báo cáo ra QH. Vì vậy, hệ thống thống kê cấp tỉnh có nằm trong hệ thống thống kê quốc gia không? Nếu nằm vào thì kiểm soát, quản lý ở mức độ như thế nào?

Trong quá trình làm việc tôi thấy có 3 ví dụ giữa tỉnh và Trung ương có vấn đề trong cung cấp số liệu thống kê. Thứ nhất là sự chênh lệch trong số liệu GDP. Thứ hai là số liệu việc làm, GDP có tăng trưởng 5%, 6 % hay bao nhiêu % thì số việc làm được giải quyết vẫn là 1,6 triệu. Ví dụ thứ ba là số liệu giảm nghèo, tổng cục thống kê công bố 1 con số và Bộ LĐ, TB và XH công bố một con số, hai con số này khác nhau. Hàng năm Ủy ban Về các vấn đề xã hội đều tiếp nhận hai con số về giảm nghèo.

Qua ba ví dụ điển hình vừa nêu, đề nghị ban soạn thảo cân nhắc lại điều 11, dự thảo Luật liên quan đến hệ thống thống kê chính thức, hệ thống này bao gồm tới đâu? Thẩm quyền, trách nhiệm kiểm tra, theo dõi như thế nào? Ai chịu trách nhiệm nếu số liệu thống kê không chính xác. Có lẽ phải phân định lại trách nhiệm thẩm quyền, công bố hình thành nên hệ thống thống kê quốc gia. Về quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tại điều 14, cần phải quy định cụ thể thêm. Theo như quy định của dự thảo Luật thì có thể cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã không nằm trong thống kê quốc gia. Như vậy cần phải quy định chi tiết trách nhiệm, thẩm quyền hệ thống do cấp huyện, cấp xã công bố một cách cụ thể hơn.

Tự Cường- Lan Chi lược ghi
Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân