Hội nghị chia sẻ kết quả nghiên cứu quy trình xây dựng luật, pháp lệnh
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo Báo cáo nghiên cứu quy trình xây dựng Chương trình luật, pháp lệnh qua 20 năm (từ 1996 – 2016), Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được xây dựng trên cơ sở xem xét nhu cầu quản lý, thực trạng kinh tế – xã hội và từ yêu cầu hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, góp phần quan trọng vào việc nâng cao, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ QH đã được chuẩn bị khá tốt, tạo thuận lợi cho việc triển khai xây dựng và ban hành số lượng lớn các luật, pháp lệnh. Nhìn chung, những vấn đề cơ bản, quan trọng thuộc các lĩnh vực đối nội, đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, quan hệ sản xuất và hoạt động của công dân đều được pháp luật điều chỉnh, chỉ một số ít những vấn đề, lĩnh vực phức tạp, quan hệ xã hội còn biến động mới ban hành dưới hình thức pháp lệnh của UBTVQH hoặc Nghị định độc lập của Chính phủ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng còn hạn chế, như: một số dự án luật được đưa vào chương trình nhưng thiếu tính khả thi; chất lượng chuẩn bị dự án luật, pháp lệnh còn hạn chế và thường chưa bảo đảm tiến độ như dự kiến. Việc lập luận chứng các dự án, dự thảo đưa vào Chương trình đôi khi còn sơ sài, chưa đủ căn cứ thuyết phục về sự cần thiết phải ban hành, đối tượng, phạm vi điều chỉnh, các điều kiện cần thiết cho việc soạn thảo cũng như các dự báo về tác động kinh tế – xã hội…

Nhất trí với nhận định của Báo cáo, các đại biểu tham gia Hội nghị cho rằng, định hướng chính sách trong mỗi dự án đề nghị đưa vào Chương trình phải được xác định rõ ngay từ khâu đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Đồng thời, việc phân tích, phản biện đối với các chính sách này phải được thực hiện xuyên suốt trong toàn bộ quy trình xây dựng, ban hành văn bản, coi đây là điểm then chốt, chi phối việc cải tiến quy trình xây dựng, ban hành luật. Đối với cơ quan chủ trì soạn thảo phải tập trung thời gian bàn về quan điểm, chính sách của dự án được đề xuất xây dựng. Tăng cường trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ trong việc thẩm định, kiểm tra văn bản trước khi trình tập thể Chính phủ thảo luận, quyết định. Với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH cần dành nhiều thời gian tổ chức nghiên cứu, phản biện chính sách, những nội dung lớn của dự án đề xuất đưa vào Chương trình thuộc lĩnh vực phụ trách và phải coi đây là việc làm bắt buộc của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác khi tham gia với Ủy ban Pháp luật trong việc thẩm tra, xây dựng Chương trình luật, pháp lệnh.

H. Ngọc
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân