Hội nghị lấy ý kiến sửa đổi Luật Đất đai 2003 – Hà Nội,12/3/2008: Các ý kiến đều mang hơi thở cuộc sống
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, Hội nghị đã có sự tham gia đầy đủ của đại diện UBND, Sở TN&MT, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp, Sở Tài chính các địa phương từ Hà Tĩnh trở ra, đại diện một số Ngân hàng quốc tế… nhằm phản ánh vướng mắc thực tế, góp ý kiến sửa đổi một số điều để Luật Đất đai 2003 có bước phát triển mới về chất lượng, bảo đảm chặt chẽ về pháp lý.

13 ý kiến đóng góp tại Hội nghị đều thống nhất đánh giá Luật Đất đai sau bốn năm đi vào cuộc sống là đạo luật cực kỳ quan trọng, tác động tích cực đến mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội, tạo hành lang pháp lý để công tác quản lý đất đai đi vào nền nếp và có những bước tiến lớn.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho rằng đây là một Hội nghị rất quan trọng, đã được Bộ chỉ đạo và chuẩn bị với hy vọng, các đại biểu thảo luận, đặt ra các vấn đề cần giải quyết và đưa ra những kiến nghị khắc phục hạn chế, tạo thuận lợi cho công tác quản lý cũng như cho người sử dụng đất, góp phần đưa nền kinh tế lên một tầm cao mới.

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải đảm bảo phát triển bền vững

Xung quanh vấn đề quy hoạch đất đai, nhiều ý kiến cho rằng với những phương pháp, cách làm và quy định của Luật trước đây, cần phải nghiên cứu kỹ và bổ sung ngay để quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 2011-2020 kịp hoàn chỉnh. Nghĩa là phải đi trước một bước nếu không sẽ chậm, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên lưu ý. Cần tiếp tục trao đổi tiếp cận vấn đề quy hoạch đất ở nhiều góc độ. Song song với các quy hoạch “cổ truyền”, nên chăng sẽ phải có những “quy hoạch đỏ”, có thể xem là những “quy hoạch cứng”, đảm bảo đất nông nghiệp cho an toàn lương thực, đất rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng…

Mặt khác, nếu chỉ tính quy hoạch đất đai ở từng tỉnh cũng sẽ không toàn diện. Nhiều đại biểu cho rằng, phải tính tới quy hoạch đất đai một cách khoa học dưới góc độ môi trường và phát triển bền vững. “Tiếp cận quy hoạch đất đai phải gắn với quy hoạch vùng, lãnh thổ chứ không thể làm phép cộng quy hoạch các huyện thành quy hoạch tỉnh và cộng quy hoạch các tỉnh thành quy hoạch Quốc gia. Không thể để tình trạng toàn bộ rác thải, khí thải của KCN tỉnh này đổ vào vùng đất của tỉnh bên. Nghĩa là quy hoạch đất đai phải có tính liên vùng, liên tỉnh hài hòa, giữa các KCN, khu đô thị, dịch vụ, có vậy mới đảm bảo phát triển bền vững”, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tây Nguyễn Văn Hùng kiến nghị: Trong công tác chỉ đạo quy hoạch, chế tài quy định trong Luật phải rõ ràng hơn để có tính khả thi cao. Ông Hùng cho rằng: Quy hoạch sử dụng đất là vấn đề cốt lõi, nhưng bất cập hiện nay là, Luật Đất đai quy định quy hoạch đất đai của cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch của cấp trên, “nhưng thực tế, họp hội đồng thẩm định quy hoạch lại họp từ trên xuống, trình hồ sơ quy hoạch lại từ dưới lên, thực tế là cấp xã không thể nắm được quy hoạch của cấp tỉnh, cấp huyện”.

Khi việc định giá đất và bất động sản về đất đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý

Vấn đề giá đất, đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư, chênh lệch địa tô… là cả một cụm vấn đề được các đại biểu rất quan tâm.

Luật quy định giá đất tính theo giá đang sử dụng. Nhưng nóng nhất hiện nay là giá đất làm đường đền bù cho dân thấp quá. Chênh lệch địa tô giữa giá đất làm KCN và nhà ở lớn. Phó Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa Nguyễn Lương Thắng cho rằng nếu Luật quy định đền bù theo giá thị trường áp dụng cho cả đất ở và đất nông nghiệp là chưa thỏa đáng. Theo đó, khi thu hồi đất nông nghiệp, kể cả đất trồng cây lâm nghiệp, đất muối, đất thủy sản, không thể bồi thường như giá thị trường vì Nhà nước khi giao đất loại này không thu tiền sử dụng đất. Tán thành ý kiến này, Phó Giám đốc Sở TN&M Thái Nguyên Nguyễn Hữu Hợp cũng cho rằng: nên thống nhất giá đền bù chung đối với đất nông nghiệp bị thu hồi, có thể chia theo vùng với các mức giá 50 – 40 – 30 nghìn đồng/m2 đối với vùng đồng bằng – trung du – miền núi.

Bài toán xử lý chênh lệch địa tô như thế nào sẽ phải bàn tiếp kỹ hơn. Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, tổ chức Trung tâm Phát triển quỹ đất nên được coi là “điểm huyệt” quan trọng để có thể giải quyết tối ưu vấn đề định giá và đền bù đất. Tới đây, Luật sẽ phải xác định rõ cơ chế hoạt động của Trung tâm nhằm điều phối chênh lệch địa tô…

Tuy nhiên, quy chế cấp đất, giao đất tới đây cũng phải tính tiếp, cả hệ thống chính trị cũng sẽ phải vào cuộc, ngăn chặn tình trạng có những doanh nghiệp “tay không bắt giặc”, không có thực lực và không có vốn vẫn xin đất khiến quy hoạch treo kéo dài gây nhiều bức xúc cho dân.

Các ý kiến đề nghị Bộ TN&MT sớm thống nhất quản lý cấp một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. “Điều này cần phải có lộ trình”, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nói.

Vấn đề được bàn thảo nhiều ở Hội nghị tại TP.HCM tuần qua cũng đã được đề cập tại Hội nghị này, đó là cơ chế quản lý và đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Hiện, việc định giá đất và bất động sản từ đất, Chính phủ đã giao cho Bộ TN&MT quản lý. Khó khăn không ít nhưng nếu tổ chức tốt hiệu quả sẽ rất lớn.

“Có thể thấy hơi thở cuộc sống về đất đai đã được phản ánh tương đối đầy đủ tại Hội nghị này. Những ý kiến đóng góp từ các Hội nghị khu vực sẽ được tập hợp và sau khi hoàn thành dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, những vấn đề sát sườn, cụ thể hơn sẽ được bàn tiếp. Bộ TN&MT rất mong nhận được những ý kiến phản biện để Luật Đất đai ngày càng hoàn thiện”, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh.

Ông Thái Văn Nông – Phó Giám đốc Sở TN&MT Nghệ An: Nổi cộm là việc xác định diện tích đất ở

Các phường và thị trấn hiện nay đã có quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị (do Sở Xây dựng tham mưu thực hiện). Do vậy, không cần thiết phải lập quy hoạch sử dụng đất cho các phường, thị trấn.

Kỳ quy hoạch sử dụng đất theo Luật Đất đai là 10 năm, kỳ kế hoạch sử dụng đất là 5 năm nhưng khi triển khai có địa phương làm trước, có địa phương làm sau.

Thực tế ở Nghệ An năm 2007 vừa qua, khi lập quy hoạch sử dụng đất ở một số huyện, có quan điểm là lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2017, có quan điểm là đến 2010, có quan điểm là đến năm 2020. Việc xác định diện tích đất ở, đất vườn gắn liền với đất ở là vấn đề còn nổi cộm hiện nay. Luật Đất đai năm 2003 có phân thành nhiều mốc thời gian, phân ra các trường hợp có giấy tờ và không có giấy tờ về quyền sử dụng đất. bất cập ở đây là 2 hộ đều sử dụng đất trước 18/12/1980 như nhau, đều không có giấy tờ nhưng có hộ thì được tính diện tích đất ở rất lớn (nếu có tên trong sổ), có hộ thì được diện tích đất ở rất nhỏ (nếu không có tên trong sổ), đề nghị xem xét lại việc xác định diện tích đất ở đối với trường hợp sử dụng trước ngày 18/12/1980 nhưng không có giấy tờ về quyền sử dụng đất cho phù hợp với thực tế.

Bà Phạm Mộng Hoa – Đại diện Ngân hàng Thế giới: Cần đảm bảo thu nhập cho người dân có đất bị thu hồi

Tôi nhất trí cao với đánh giá của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, Luật Đất đai 2003 là bước tiến lớn trong sự phát triển chính sách đất đai của Việt Nam.

Cần làm sao để đời sống của người dân phải bằng hoặc hơn so với trước khi có dự án thu hồi đất. Sự phát triển của Trung tâm Phát triển quỹ đất đưa lại nhiều hy vọng, bởi nếu làm tốt, chuẩn bị nhiều “đất sạch” sẽ có thêm quỹ đất, quỹ nhà cho công tác đền bù tái định cư và có thêm phương án cho người dân lựa chọn.

Khó khăn trong giải tỏa đền bù đất hiện nay là phải đảm bảo thu nhập cho nông dân, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân bị thu hồi đất. Nhiều nước khi thu hồi đất của dân đã xem đó là một phần dân góp vốn, người dân là những cổ đông. Ngân hàng chúng tôi hy vọng, thời gian tới, có thể tài trợ những dự án thử nghiệm theo mô hình này.

Ông Trịnh Kiên Đĩnh – Phó Giám đốc Sở TN-MT và Nhà đất Hà Nội: Nên cho ghi nợ các khoản lệ phí khi cấp Giấy chứng nhận lần đầu

Hiện nay Hà Nội còn 65.000 trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đã cấp nhưng dân chưa đến nhận. Người sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận đất ở trong hai năm (2005-2006) phải nộp lệ phí trước bạ đất theo giá đất mới cao hơn 8-15 lần giá đất 2004. Đề nghị đối với Giấy chứng nhận dân chưa được nhận cần nghiên cứu sửa đổi cho phép được ghi nợ cả lệ phí cả trước bạ, thuế chuyển quyền khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở lần đầu để được nhận Giấy chứng nhận.

Đề nghị nghiên cứu thống nhất phương án cấp Giấy chứng nhận đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ, tạo điều kiện cho công tác quản lý và đáp ứng được nguyện vọng của người dân

Nguồn: Website Bộ Tài nguyên và Môi trường