Hội nghị sơ kết thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế thuộc Bộ Công Thương
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tại Hội nghị, ông Trần Thảo – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ – Phó trưởng Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương đã báo cáo tóm tắt sơ kết thực hiện mô hình tập đoàn kinh tế của Bộ Công Thương.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 và Nghị quyết Trung ương 9 (khóa IX) về hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh do tổng công ty nhà nước làm nòng cốt, có sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế trong nước và đầu tư của nước ngoài, trong các năm 2005 – 2007 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chuyển đổi và tổ chức lại 4 Tổng công ty 91 thuộc Bộ sang hoạt động thí điểm theo mô hình tập đoàn. Đó là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Tập đoàn TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Tập đoàn PV), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Tập đoàn EVN) và Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Tập đoàn Vinatex).

Các tổng công ty được lựa chọn để tổ chức thành tập đoàn kinh tế đều hoạt động trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đang nắm giữ các nguồn lực quan trọng, có quy mô lớn, có khả năng phát triển trong cạnh tranh và hội nhập. Việc thí điểm hình thành các tập đoàn kinh tế nhà nước là hướng đến mục tiêu xây dựng một số tập đoàn kinh tế mạnh, có tầm cỡ khu vực, làm nòng cốt để Việt Nam chủ động và thực hiện có hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.

Từ khi thành lập đến nay, mô hình các tập đoàn đã tạo dựng và phát huy được sức mạnh tổng thể, lợi thế tối đa hóa lợi nhuận và nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của tập đoàn nói chung và các đơn vị thành viên nói riêng. Quan hệ giữa tập đoàn và các đơn vị thành viên không còn mang tính hành chính, cấp trên, cấp dưới mà được hình thành quan hệ về kinh tế, về sở hữu giữa Công ty mẹ – Tập đoàn và các công ty con, công ty liên kết.Vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị và Ban Tổng giám đốc đã được phân định cụ thể và rõ ràng hơn. Từ đó phát huy cao năng lực quản lý, hoạch định chiến lược phát triển, kiểm tra, giám sát của Hội đồng quản trị đối với hoạt động của tập đoàn và nâng cao tính chủ động, sáng tạo và chịu trách nhiệm trong điều hành của Ban Tổng giám đốc. Bên cạnh đó, tư duy trong quản lý, điều hành cũng được thay đổi, lề lối làm việc đã được đổi mới.

Cơ chế tài chính mới đã tạo điều kiện cho các tập đoàn phát triển mạnh tương xứng với những tiềm năng và thế mạnh của từng tập đoàn và tạo điều kiện cho các tập đoàn trong việc huy động vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, trong việc thu xếp vốn cho các dự án của các công ty con, phát hành trái phiếu, hợp tác quốc tế, đầu tư ra nước ngoài và thu hút đầu tư nước ngoài.

Mô hình tổ chức công ty mẹ – công ty con được áp dụng cho không những ở tập đoàn mà tại một số công ty con của tập đoàn (cấp tổng công ty) đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp này phát triển cả về quy mô tổ chức và hiệu quả hoạt động thể hiện qua tăng trưởng của sản lượng, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, thu nhập của người lao động và cổ tức của các cổ đông.

Các tập đoàn kinh tế thuộc Bộ Công Thương đã có những cố gắng thực hiện kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa các đơn vị thành viên. Đây là một trong những biện pháp phát huy hiệu quả cao để thu hút vốn đầu tư, đa dạng hóa sở hữu, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả quản trị doanh nghiệp. Trong đó, Tập đoàn PV đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, cổ phần hóa và chuyển các doanh nghiệp thành viên sang hoạt động theo Luât Doanh nghiệp, 11 doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa, 4 doanh nghiệp đã chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên, Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro hoạt động theo HIệp định Liên Chính phủ. Tổng vốn điều lệ của các doanh nghiệp này là 43.970 tỷ đồng trong đó vốn đầu tư của Công ty mẹ là 32.260 tỷ đồng, chiếm 73,4% vốn điều lệ của các công ty này. Tập đoàn TKV tính đến hết tháng 6/2008 chỉ còn lại 14 công ty con nhà nước (trên tổng số 66 công ty con) chưa chuyển đổi sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Trong số đó, 7 công ty đang triển khai cổ phần hóa trong năm 2008, còn lại sẽ được cổ phần hóa hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên xong trước năm 2010. Tập đoàn EVN đã cổ phần hóa được 30 doanh nghiệp. Theo kế hoạch, năm 2008, EVN sẽ tiến hành cổ phần hóa xong 11 doanh nghiệp bao gồm các công ty phát điện, trung tâm công nghệ thông tin… Tập đoàn Vinatex tính đến hết năm 2007 đã cổ phần hóa 75 đơn vị trong đó có 41 doanh nghiệp và 34 bộ phận doanh nghiệp. Hiện nay Tập đoàn đang chỉ đạo cổ phần hóa các công ty con để tiến tới cổ phần hóa toàn Tập đoàn theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các tập đoàn cũng đã tiến hành đẩy mạnh đầu tư kinh doanh vào các ngành nghề khác như trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và đã đạt được những thành tựu đáng kể.

Việc hội nhập kinh tế quốc tế có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam khi xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp của ngành công thương đã tham gia tích cực trong chiến lược hội nhập kinh tế, nhất là từ khi nước ta gia nhập tổ chức WTO. Là những doanh nghiệp mạnh và chủ chốt, các tập đoàn kinh tế thuộc Bộ đã phát huy được vai trò và vị trí của mình trong hội nhập, đóng góp không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng của ngành, của cả nước nói chung, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị. Cụ thể như: Tập đoàn PV đã tích cực triển khai công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí cả ở trong nước và nước ngoài. PV không chỉ ký các hợp đồng dầu khí với nước ngoài mà còn tự đầu tư để tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở nước ngoài. Hiện tại Tập đoàn PV đang đầu tư vào 13 dự án, trong đó tự điều hành 8 dự án và bước đầu đã có phát hiện dầu khí quan trọng ở Ma-lay-xi-a và An-giê-ri. Tập đoàn TKV đã tập trung phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp than – khoáng sản và mở rộng kinh doanh các lĩnh vực có liên quan như đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện đốt than, vật liệu nổ công nghiệp, sản xuất lắp ráp các thiết bị khai thác mỏ… Không những mở rộng các hoạt động kinh doanh ở trong nước mà TKV đã bước đầu triển khai đầu tư ra nước ngoài, trước mắt là Lào và Cam-pu-chia trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào còn cao, nhất là giá xăng dầu, nhưng nhìn chung các tập đoàn đã làm nòng cốt nhiệm vụ bình ổn giá cả, góp phần kiềm chế lạm phát, đảm bảo tăng trưởng sản xuất kinh doanh. Các tập đoàn đã góp phần thực hiện tốt Chỉ thị số 18/2007/CT-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường và đã giữ vai trò nòng cốt trong việc thực hiện Nghị quyết số 10/200/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ về các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.

Công tác cán bộ và chính sách đối với người lao động đã được các tập đoàn quan tâm thường xuyên, góp phần tạo điều kiện đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chung của ngành. Chính sách đối với người lao động đã được thực hiện đúng, đảm bảo đủ việc làm cho người lao động, tiền lương và thu nhập ổn định, đời sống được đảm bảo, các chế độ và quyền lợi của người lao động được thực hiện đầy đủ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, mô hình kinh tế tập đoàn vẫn còn tồn tại một số điểm yếu. Sự hình thành các tập đoàn kinh tế ở nước ta chủ yếu là do chuyển đổi từ các tổng công ty 91. Do chưa có cơ chế, chính sách và mô hình cụ thể nên việc chuyển đổi và hoạt động của từng đơn vị chưa thống nhất, rõ ràng. Việc chuyển đổi thành tập đoàn kinh tế trên cơ sở tổng công ty nhà nước giữ các vai trò quan trọng trong nền kinh tế và do lịch sử để lại, nên trong một số lĩnh vực cụ thể, hoạt động của một số tập đoàn hiện nay mang tính độc quyền, chưa phù hợp với cơ chế cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Việc mở rộng đa ngành, đa nghề ra nhiều lĩnh vực không phải sở trường như tài chính, ngân hàng… đã phần nào làm giảm năng lực và sự tập trung nguồn lực của các tập đoàn vào lĩnh vực chính. Do chưa quen với mô hình mới, cơ chế quản lý mới nên việc chuyển đổi tư duy quản lý chưa theo kịp với tình hình thực tế và lề lối quản lý cũ vẫn ít nhiều còn tồn tại. Việc thay đổi tư duy quản lý không chỉ yêu cầu ở chủ thể quản lý mà đòi hỏi đối tượng quản lý vì thời gian qua cũng còn một số doanh nghiệp chưa thoát khỏi tư duy của cơ chế bao cấp, xin cho, không dám chịu trách nhiệm, có quyền nhưng không dám quyết mà vẫn xin ý kiến Công ty mẹ.

Bộ Công Thương cũng có một số kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành, cụ thể: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách để các cơ quan nhà nước, các tổng công ty, các doanh nghiệp tư nhân… có nhận thức đúng đắn và thống nhất về mục đích, yêu cầu của việc xây dựng tập đoàn kinh tế ở nước ta hiện nay. Hoàn thiện hệ thống pháp luật chính sách đối với tập đoàn kinh tế, trước hết, cần có những chính sách phù hợp với các tổng công ty được lựa chọn để thành lập tập đoàn kinh tế như chính sách về quan hệ sở hữu, quản lý và phân phối giữa Nhà nước và tập đoàn… Bộ đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo sơ kết thí điểm hình thành các tập đoàn kinh tế. Trên cơ sở đó cần chính thức ban hành Nghị định về hình thành, tổ chức, hoạt động, giám sát đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước cũng như các hệ thống tiêu chí của một tập đoàn phù hợp với điều kiện của từng ngành, lĩnh vực kinh tế và khả năng thực tế của mỗi doanh nghiệp. Chính phủ cũng cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, môi trường pháp lý bình đẳng, có chính sách khuyến khích đầu tư liên kết để hình thành tập đoàn kinh tế có năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, ban hành các quy định về hạn chế cạnh tranh, chống lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường hoặc lạm dụng vị thế độc quyền nhằm đảm bảo các công ty hoạt động theo đúng các quy định của pháp luật.

Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính đánh giá về hiệu quả hoạt động và việc giám sát về tình hình quản lý, sử dụng vốn, phân phối thu nhập, trích lập và sử dụng quỹ của các tập đoàn; đánh giá việc thực hiện quy chế quản lý tài chính, việc đầu tư ra nước ngoài và đầu tư chéo trong nôi bộ tập đoàn…; đề nghị Bộ Kế hoạch – Đầu tư đánh giá việc thực hiện mục tiêu, chiến lược, kế hoạch dài hạn và ngành nghề kinh doanh của các tập đoàn, việc thực hiện điều lệ tổ chức và hoạt động của tập đoàn, việc thực hiện các nghĩa vụ của chủ sở hữu và quản lý nhà nước đối với các tập đoàn; đề nghị Bộ Nội vụ đánh giá việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật đối với Chủ tịch và các thành viên HĐQT, việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của người đại diện phần vốn của công ty mẹ của các tập đoàn tại các doanh nghiệp khác; đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất liên quan đến việc xếp lương, nâng lương, phụ cấp đối với Chủ tịch và thành viên HĐQT, vấn đề việc làm, thu nhập và bảo đảm quyền lợi của người lao động, giải quyết chính sách đối với người lao động khi thực hiện việc chuyển đổi, sắp xếp doanh nghiệp.

Hiện nay cả nước có 8 tổng công ty nhà nước đã hoạt động theo mô hình thí điểm tập đoàn kinh tế, trong đó ngành công thương có 4 tập đoàn. Đây có thể coi là các mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước đang có ở nước ta. Trong thời gian tới sẽ tiến hành cổ phần hóa các Tập đoàn kinh tế nhà nước nên cần sớm có tổng kết, đánh giá cụ thể, tìm hiểu các mô hình tập đoàn kinh tế đa sở hữu, từ đó đưa ra tiêu chí cho việc thành lập, quản lý, giám sát các tập đoàn kinh tế phù hợp với điều kiện Việt Nam. Việc hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế 100% vốn nhà nước, đa sở hữu cũng như cần thiết phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính về cạnh tranh, đầu tư, thương mại, chuyển giao công nghệ, thuế, tài chính, ngân hàng, sáp nhập và mua lại theo hướng thống nhất, nhằm khuyến khích mô hình tập đoàn kinh tế phát triển.

Nguồn: Bộ Công thương