Hội nhập chỉ là điều kiện cần
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong thời gian qua, xuất khẩu đã trở thành một động lực chính cho tăng trưởng kinh tế nước ta. Đặc biệt là góp phần tạo việc làm cho người lao động và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với những biển đổi của thị trường thế giới. Tuy vậy, xuất khẩu trong giai đoạn hậu gia nhập WTO, kể cả trong các năm 2007 và 2008, cũng không tăng nhanh hơn đáng kể so với giai đoạn trước 2007. Điều này cho thấy, gia nhập WTO chưa mang lại lợi ích đáng kể đối với tăng trưởng xuất khẩu, hoặc doanh nghiệp nước ta chưa tận dụng được đáng kể cơ hội mới từ các nền kinh tế thành viên WTO. Ngược lại với xuất khẩu, nhập khẩu dường như có những diễn biến tăng trưởng nhanh hơn hẳn sau khi nước ta gia nhập WTO. Tốc độ tăng nhập siêu bình quân ở mức gần 30%/năm giai đoạn 2000-2006 đã tăng tới hơn 88%/năm trong các năm 2006-2008, sau đó giảm còn khoảng 17%/năm giai đoạn 2008-2010. Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, trong quá trình hội nhập chúng ta chưa chuẩn bị năng lực cạnh tranh của mình. Vì vậy, nhà đầu tư nước ngoài đã tận dụng được cơ hội này tốt hơn so với doanh nghiệp trong nước.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trương Đình Tuyển cho rằng, dù luồng vốn đầu tư vào Việt Nam tăng nhanh sau khi gia nhập WTO nhưng tỷ trọng đầu tư vào các ngành chế biến, chế tạo giảm đi. Hơn nữa, đầu tư nước ngoài cũng không làm tăng mạnh năng lực sản xuất mới, năng lực xuất khẩu mới mà lại góp phần gia tăng nhập siêu. Yếu tố này sẽ gây sức ép lên tỷ giá, buộc Chính phủ phải hạ giá VNĐ, gây nên vòng xoáy lạm phát mới. Do đó, ông Trương Đình Tuyển đề nghị, cần có chính sách thu hút đầu tư hợp lý để khuyến khích vào những lĩnh vực chế biến, công nghệ cao.

Nếu như việc gia nhập WTO, sức ép lớn nhất là về mặt thể chế và dịch vụ thì các hiệp định FTA song phương và khu vực lại gây nhiều sức ép đến thương mại hàng hóa do mức độ cắt giảm thuế nhập khẩu sâu rộng trong hiệp định trong ASEAN và một số hiệp định ASEAN+. Theo đó, có khoảng 90% số dòng thuế sẽ về 0% vào năm 2015, phần lớn trong số còn lại sẽ đưa về 0% vào năm 2018. Với các FTA, thuế quan giảm mạnh là cơ hội lớn tiếp cận thị trường và xuất khẩu của Việt Nam. Tỷ lệ hàng hóa có sử dụng mẫu chứng nhận xuất xứ để hưởng ưu đãi của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tăng lên. Đây là điều đáng phấn khởi vì doanh nghiệp biết tận dụng ngày càng tốt hơn các ưu đãi thuế. Theo thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, trong giai đoạn 2011-2015, Việt Nam vẫn được hưởng ưu đãi của ASEAN 6 và ASEAN+, đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức, bởi đến năm 2015, Việt Nam cũng phải cam kết giảm thuế và mở cửa thị trường như các đối tác khác trong khối ASEAN. Vì thế, Việt Nam có chiến lược xuất nhập khẩu hiệu quả, nhằm thực sự góp phần cải thiện phân bổ nguồn lực, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế ở cấp độ sản phẩm, doanh nghiệp và cả nền kinh tế nói chung.

Lộ trình bảo hộ một số ngành vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, song cũng có thể là sai lệch phân bổ nguồn lực và khả năng thu hút FDI hiệu quả trong dài hạn. Như vậy, các cam kết về cắt giảm thuế quan trong các FTA sẽ là cơ sở thuận lợi cho Việt Nam đàm phán các FTA với các nước có cơ cấu kinh tế bổ sung với nước ta như Nhật Bản, EU hay Hoa Kỳ nhằm nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế.

Anh Tú