Hội thảo “Cảng và dịch vụ hậu cần: Kinh nghiệm chuyên môn từ Anh Quốc”: Cảng biển VN cạnh tranh yếu
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hiện nay, do tàu chở hàng ở VN là các tàu nhỏ, nên khi vận chuyển đến những nước khác, phải qua trạm trung chuyển là các cảng ở Hồng Kông, Singapore, chi phí vì thế rất lớn, không cạnh tranh cước phí vận chuyển được với các nước khác.

Tại hội thảo “Cảng và dịch vụ hậu cần: Kinh nghiệm chuyên môn từ Anh Quốc” tổ chức mới đây tại TPHCM, ông Milton Lawson, luật sư điều hành Công ty Freshfields Bruckhaus Deringer, cho rằng vấn đề đáng ngại nhất hiện nay là cơ sở hạ tầng cảng biển tại VN. Các cảng VN quá nhỏ, khó tiếp nhận các tàu trọng tải lớn, công năng lớn. Đây là vấn đề rất quan trọng, bởi các công ty đa quốc gia nhìn vào sẽ rất ngại, sợ hàng hóa sẽ không được vận chuyển kịp thời cho đối tác. Với tốc độ phát triển nhanh và mạnh trong hoạt động xuất nhập khẩu hiện nay ở VN, nếu hệ thống hạ tầng cảng biển không được đầu tư đúng mức thì có khả năng đến năm 2008-2009, hoạt động thương mại sẽ gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay VN có 34 cảng biển, 126 bến cảng và 266 cầu tàu với tổng chiều dài khoảng 35 km. Năm 2006 đón khoảng 62.000 lượt tàu cập cảng. Dự kiến tàu cập cảng sẽ tăng cả về số lượng lẫn trọng tải. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Huệ, Cục phó Cục Hàng hải VN, ở thời điểm năm 1999, quy hoạch chưa tính đến các loại tàu cập cảng lớn hơn 30.000 tấn là hợp lý, vì thời điểm đó chưa thấy nhu cầu về tàu lớn mà cứ đầu tư nhiều vào, nếu không sử dụng hết công suất thì hóa ra lãng phí.

Thế nhưng theo bà Jessica Kingham, chuyên viên tư vấn lĩnh vực cảng biển Công ty Beckett Rankine (Anh Quốc), khi tiến hành quy hoạch cảng biển thì phải tính đến việc quy hoạch cả một vòng đời dự án. Nghĩa là khi xây mới, phải tính đến việc có thể mở rộng để tiếp nhận các tàu lớn hơn so với quy hoạch hiện tại, tính đến việc phát triển ở các khu vực xung quanh cảng, đồng thời cũng lưu ý đến quy hoạch cải tạo đô thị, thương mại và giải trí; chứ không nên quy hoạch một cách manh mún.

Theo Báo Người Lao động