Hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp trong phòng chống tham nhũng”: Doanh nghiệp phải nói “ không” với những khoản đút lót
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ngày 26.3, hội thảo “Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phòng chống tham nhũng” do phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với ngân hàng Thế giới (WB) đã diễn ra tại TP. Cần Thơ.

Bà Trần Thị Lan Hương, cố vấn thể chế WB cho biết, khi cán bộ công chức (CBCC) gây khó khăn, doanh nghiệp và người dân sẽ có động cơ đưa hối lộ, khó khăn được giải quyết. CBCC có động cơ tiếp tục gây khó khăn… đó là vòng xoáy của tham nhũng phổ biến hiện nay.

Cũng theo bà Hương, kết quả điều tra và khảo sát xã hội học 1.058 doanh nghiệp và 2.601 người dân từ 10 tỉnh, thành trong đó có năm thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hải Phòng của WB, Thanh tra Chính phủ và VCCI cho thấy: Có 45% cán bộ công chức chứng kiến hành vi tham nhũng; 44% doanh nghiệp trả chi phí không chính thức (đưa hối lộ cho CBCC để giải quyết vấn đề của doanh nghiệp một cách nhanh chóng); 28% người dân trả chi phí không chính thức và hơn 75% người được hỏi cho rằng tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng.

Cố vấn thể chế WB, ông James Anderson nhấn mạnh tham nhũng là một trong những vấn đề làm suy giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoặc làm các doanh nghiệp nước ngoài ngại đầu tư vào Việt Nam. Để giảm vấn đề tham nhũng, Việt Nam cần phá vỡ vòng luẩn quẩn của tham nhũng hành chính, tăng cường công khai minh bạch, tin tưởng vào báo chí và xã hội (87% cho rằng cần thiết phải ban hành Luật tiếp cận thông tin), tiếp tục cải cách hành chính, loại bỏ mâu thuẫn lợi ích trong việc tiếp tục xử lý các trường hợp tham nhũng, doanh nghiệp cần chủ động nói không với những khoản chi không chính thức (đút lót)…

“Nói doanh nghiệp là một phần của vấn đề hay một phần của giải pháp là rất khó”, bà Nguyễn Mỹ Thuận, tổng thư ký hiệp hội Doanh nghiệp TP.Cần Thơ chia sẻ, thực tế có nhiều trường hợp doanh nghiệp không muốn chi cho những khoản đút lót cũng không được; muốn tố cáo, đấu tranh nhưng doanh nghiệp phải tự xét lại xem “ai sẽ bảo vệ mình?”. Theo bà Thuận, vai trò của doanh nghiệp trong đấu tranh phòng chống tham nhũng là quan trọng nhưng hơn hết phải là hành động, giải pháp xuất phát từ các cấp chính quyền, từ nhà nước.

NGỌC BÍCH
Nguồn: Báo Điện tử Sài gòn Tiếp thị