“Hồi tố” thuế đối với lĩnh vực nhập khẩu ôtô: DN bị truy thu, biết đòi ai?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Mặc dù, Thông tư 130/2016/TT-BTC được ban hành ngày 12/8/2016, nhưng lại có hiệu lực từ 01/7/2016 trong khi đó nhiều DN vẫn đang áp dụng theo Thông tư 195/2015 để tính thuế với khách hàng.

Thông tư “đánh úp” DN

Việc ban hành Luật Thuế sửa đổi Thuế GTGT và thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) số 106/2016 được cho là khá gấp gáp khiến nhiều DN không kịp “trở tay”.

Không chỉ có vậy, để hướng dẫn Luật thuế này, Chính phủ ban hành Nghị định 100/2016 vào ngày 01/7/2016 và có hiệu lực thi hành ngay đúng ngày ban hành. Nhưng đáng chú ý hơn cả là Thông tư 130/2016 hướng dẫn Nghị định 100 được ban hành vào ngày 12/8/2016 lại có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016.

Sự khác biệt về mức thuế nhập khẩu ô tô của Luật thuế 106 là mức thuế TTĐB đối với các dòng xe có dung tích xi lanh từ 2,5 lít trở lên tăng từ 60% lên 90%, 110%, 130%, 150% tùy dung tích xi lanh. Như vậy, các dòng xe dung tích xi lanh lớn sẽ tăng thuế mỗi chiếc ít thì 200 triệu đồng nhiều có thể lên đến hàng tỷ đồng. Sự khác biệt trong cách tính thuế của Thông tư 130/2016 so với Thông tư 195/2015 ở chỗ thời điểm tính thuế. Theo Thông tư 195 thời điểm tính thuế TTĐB được tính từ khi mở tờ khai hải quan (xe được nhập khẩu về nước), còn theo Thông tư 130, thời điểm tính thuế TTĐB được tính từ khi DN xuất hoá đơn bán hàng. Theo ông Đỗ Văn Thuật – GĐ Cty TNHH Đầu tư Long Quang, bất kỳ DN nào hoạt động cũng phải có kế hoạch kinh doanh. Xe ôtô nhập khẩu, đặc biệt xe hạng sang thông thường khách hàng phải đặt trước từ 3 – 6 tháng, bằng hình thức ký hợp đồng mua xe. Do đó, 100% DN nhập khẩu ôtô không thể “trở tay” với TT 130.

Có dấu hiệu trái luật

Theo LS Nguyễn Quang Anh – GĐ Cty Luật Sao Việt, Điều 151 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định, thời gian tối thiểu để các quy định pháp luật ở cấp trung ương ban hành là 45 ngày, địa phương là 10 ngày. Nghị định 100/2016 có hiệu lực cùng một ngày ban hành là vi phạm quy định này. Thông tư 130/2016 lại có hiệu lực thi hành trước cả ngày ban hành hơn 1 tháng thì càng trái luật.

Thực tế, tại nhiều quốc gia, với trường hợp của Thông tư 130, các DN có thể kiện cơ quan ban hành. LS Quang Anh cho rằng, chính sách pháp luật ở đâu thì cũng phải tạo điều kiện cho DN. Với những quy định như trên khiến DN khó hiểu là lỗi của cơ quan ban hành chính sách.

Mặc dù, ông Nguyễn Hữu Tân – Phó vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho rằng, các văn bản hướng dẫn luật thì phải có tính đồng bộ với luật. Khi Luật số 106 có hiệu lực thi hành vào ngày 01/7/2016 thì các văn bản hướng dẫn cũng phải có hiệu lực cùng thời điểm này. Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng, lỗi ban hành chậm văn bản hướng dẫn là của cơ quan quản lý nên không thể bắt DN chịu rủi ro.

Ông Trần Dũng – GĐ Cty TNHH Mầu Đức (TP Hải Phòng) cho biết, nếu DN phá sản thì nhà nước cũng không thu được thuế. Điều này sẽ thiệt cho cả nhà nước và DN.

Bá Tú
Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp