Hôm nay, mở cửa bảo hiểm bắt buộc theo WTO: “Gân gà”, doanh nghiệp ngoại khó xơi!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hầu hết, các ngành mở cửa theo thời hạn đều “mở cửa” từ 1-1-2009, sau một năm gia nhập hoặc sau năm năm kể từ ngày Việt Nam gia nhập WTO. Một vài dịch vụ được mở cửa sớm là bảo hiểm, cụ thể là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài được kinh doanh bảo hiểm bắt buộc từ ngày 1-1-2008.

Chia bánh độc quyền

Sản phẩm bảo hiểm bắt buộc bao gồm bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe cơ giới, bảo hiểm xây dựng và lắp đặt, bảo hiểm các công trình dầu khí và các công trình dễ gây nguy hiểm đến an ninh cộng đồng và môi trường.

Các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc lâu nay là miếng bánh béo bở của các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước. Trong chín tháng đầu năm 2007, tổng doanh thu thị trường bảo hiểm đạt trên 5.900 tỷ đồng, trong đó doanh thu bảo hiểm xe cơ giới chiếm trên 28%, đạt trên 1.700 tỷ đồng, doanh thu bảo hiểm cháy nổ và rủi ro đặc biệt trên 660 tỷ đồng, bảo hiểm xây dựng lắp đặt gần 540 tỷ đồng…

Năm doanh nghiệp dẫn đầu về doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ là Bảo Việt, Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI), Bảo Minh, Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI).

Từ 1-1-2008, các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài có thể nhảy vào chia phần. Tuy nhiên, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho biết các doanh nghiệp nước ngoài (100% vốn như Groupama, Liberty Insurance…) cũng rất khó chen chân vào thị trường này.

Không lo lắng!

Lý do đầu tiên là dòng sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới rất khó “ăn”, dù doanh thu cao. “Muốn kinh doanh được “món” này thì doanh nghiệp phải có mạng lưới rộng khắp cả nước. Chủ xe đăng ký xe ở TP.HCM, mua bảo hiểm tại TP.HCM nhưng tai nạn xe tận… Mù Căng Chải (tỉnh Yên Bái) thì lấy đâu ra nhân viên bảo hiểm xuống hiện trường thu thập thông tin, làm hồ sơ bồi thường” – ông Lộc cho biết. Vì vậy, doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài không mặn mà lắm với bảo hiểm xe cơ giới.

Lý do thứ hai là bảo hiểm cháy nổ rất kén chọn. Người dân không có thói quen mua bảo hiểm cháy nổ cho nhà. Các doanh nghiệp thì phải mua bảo hiểm cháy nổ nhưng doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài chỉ quen bán cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp chứ không bán bảo hiểm cho các doanh nghiệp trong nội thành. Doanh nghiệp trong khu công nghiệp có đường sá thuận lợi, quy hoạch hạ tầng tốt nên dễ mua bán bảo hiểm. Trong khi đó, các doanh nghiệp nội thành nằm sâu trong ngõ, ngách, kho hàng, vật liệu, khu sản xuất lại chung một chỗ, khi cháy nổ không biết đường nào mà cứu. “Các anh bảo hiểm nước ngoài trông thấy hoàn cảnh đã “khiếp” rồi, nói gì đến bán bảo hiểm” – ông Lộc cho biết.

Vì vậy mà ông Nguyễn Thế Năng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Minh, cho biết việc mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào thị phần bảo hiểm bắt buộc không gây lo ngại cho các doanh nghiệp trong nước. Ông cho rằng các doanh nghiệp nước ngoài có thế mạnh về bảo hiểm công trình, xây dựng, chăm sóc sức khỏe, không “mặn” với loại bảo hiểm cần mạng lưới rộng. Hơn nữa, lâu nay các doanh nghiệp nước ngoài cũng đã được phép bán bảo hiểm cho doanh nghiệp nước ngoài, người nước ngoài, coi như đã có sự cạnh tranh dần dần nên nay cũng không “sốc” lắm!

Thêm nhiều loại bảo hiểm mới

Với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, năm 2008 là năm phát triển loại hình bảo hiểm mới là bảo hiểm liên kết đầu tư. Gần đây, Bộ Tài chính đã chấp thuận cho doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị.

Trước đây, có doanh nghiệp bảo hiểm từng xin cấp phép kinh doanh loại bảo hiểm trên nhưng hồ sơ nộp mấy năm trời vẫn không được cấp phép. Ông Phùng Đắc Lộc cho biết thời điểm này mà xin cấp phép thì chắc là được rồi, tuy nhiên, các doanh nghiệp còn đang chuẩn bị.

Theo ông Lộc thì hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đều muốn nhảy vào kinh doanh loại sản phẩm này và đều đang chuẩn bị cho ra lò sản phẩm mới. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp còn đang lo tăng vốn pháp định theo yêu cầu (trên 200 tỷ đồng mới được kinh doanh loại bảo hiểm này) và “tạo hình” cho sản phẩm mới, trình Bộ Tài chính xin cấp phép. Quan trọng nhất là phải đào tạo, huấn luyện nhân viên về nghiệp vụ mới, đồng thời phải tuyên truyền, giới thiệu cho khách hàng biết về loại bảo hiểm này.

Hiểu nôm na với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thông thường, người mua bảo hiểm được hưởng các quyền lợi bảo hiểm khi đau ốm, nằm viện, khi chết… và sau một thời gian thì được lấy lại tiền bảo hiểm đã đóng. Với loại bảo hiểm liên kết đầu tư, người mua bảo hiểm còn có thể kinh doanh trên số tiền đóng bảo hiểm, hưởng lợi từ sự kinh doanh đó. Loại sản phẩm bảo hiểm này vốn đã được “ngắm nghía” từ lâu, chỉ còn chờ quy định, nay đã có quy định thì sẽ nhanh chóng bung ra ngay trong năm 2008.

Xuất khẩu 2008: Dệt may qua mặt dầu thô

Giá trị xuất khẩu năm 2007 đạt gần 48,4 tỷ USD. Dẫn đầu là dầu thô đạt 8,5 tỷ USD, dệt may khoảng 7,8 tỷ USD, giày dép gần bốn tỷ USD và thủy sản đạt 3,8 tỷ USD.

Ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 2008 đạt 9,5 tỷ USD, giành vị trí dẫn đầu. Trong buổi họp bàn kế hoạch xuất khẩu dệt may 2008, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng ngành dầu cũng đặt mục tiêu trên chín tỷ USD. Tuy nhiên, giá dầu khá “phiêu”, còn dệt may lại ổn định nên ngành dệt may có nhiều hy vọng “qua mặt” ngành dầu.

Đầu tư nước ngoài 2008: Giảm hút vốn, tăng giải ngân

Năm 2007, lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 20,3 tỷ USD, giải ngân khoảng 4,6 tỷ USD. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt mục tiêu thu hút 15 tỷ USD vốn đầu tư vào năm 2008. Tuy con số này có giảm so với năm 2007 nhưng sẽ tăng tỷ lệ giải ngân, sử dụng vốn hiệu quả hơn.

Từ 1-1-2008, một số dịch vụ mở cửa:

– Dịch vụ nhượng quyền thương mại: Trước 1-1-2008, doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam phải liên doanh với đối tác Việt Nam với tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài dưới 49%. Từ 1-1-2008 không hạn chế về tỷ lệ vốn góp.

– Dịch vụ phân phối (đại lý hoa hồng, bán buôn, bán lẻ): Trước 1-1-2008, doanh nghiệp nước ngoài phải liên doanh với đối tác Việt Nam, tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài tối đa là 49%. Từ 1-1-2008, bỏ hạn chế 49%.

Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM