Hơn 11.000 doanh nghiệp bầu chọn nơi đáng đầu tư nhất Việt Nam
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Báo cáo PCI 2015 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Hợp tác phát triển Quốc tế Mỹ (US-Aid) công bố năm nay dựa trên kết quả điều tra cảm nhận của hơn 10.000 doanh nghiệp dân doanh về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh tại 63 tỉnh, thành phố Việt Nam.

Đây là năm thứ 11 liên tiếp PCI được công bố và cũng là lần đầu tiên báo cáo dành một chương riêng đánh giá thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.

Bên cạnh các đơn vị dân doanh, điều tra cũng lấy ý kiến của gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để có được những đánh giá về môi trường kinh doanh Việt Nam, phân tích về khả năng hấp thụ và hiệu ứng lan toả của nguồn vốn FDI tại các tỉnh, thành phố.

Điều tra PCI được tiến hành trong năm 2015, năm hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Do vậy, báo cáo cũng dành một chương riêng thể hiện cảm nhận của nhà đầu tư về cơ hội và thách thức mà hiệp định TPP mang lại.

Trước đó, 10 năm công bố PCI cũng chứng kiến sự thay đổi đáng kể về nhận thức của lãnh đạo các địa phương về việc cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó cải thiện kết quả thu hút đầu tư chung của cả nước. Năm 2015, Việt Nam đã tăng 12 bậc (giữ vị trí 56) trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Trong lần công bố gần nhất, Phòng thương mại châu Âu (Eurocham) cũng chấm Việt Nam tăng 2 điểm về môi trường kinh doanh. Tuy vậy, bối cảnh hội nhập mới cũng như một số sự việc gần đây đang đặt ra thách thức mới cho thu hút đầu tư của các địa phương.

Năm ngoái, Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu về chỉ số PCI. Tiếp đó là Đồng Tháp, Lào Cai và TP HCM.

Bạch Dương

Nguồn: Báo điện tử VnExpress