Hơn 18.000 doanh nghiệp được thành lập mới
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong hai tháng đầu năm 2021, đã có 18.129 doanh nghiệp được thành lập mới. Cùng với đó, có trên 11.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong tháng 2/2021, đã có trên 8.000 doanh nghiệp được thành lập mới, đưa tổng số doanh nghiệp được thành lập mới trong hai tháng đầu năm lên 18.129 doanh nghiệp, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2020.

Cùng với đó, còn có 11.033 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2020. Những con số này cho thấy, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những ảnh hưởng dai dẳng tới nền kinh tế, tới cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, dù giảm về số lượng, song vốn đăng ký lại có sự tăng trưởng tích cực. Cụ thể, trong tháng 2/2021, tổng số vốn đăng ký của hơn 8.000 doanh nghiệp thành lập mới là 179.737 tỷ đồng, tăng 85,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính chung, thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2021 là 720.407 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong số này, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 334.821 tỷ đồng (tăng 52,2% so với cùng kỳ năm 2020), số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động là 385.586 tỷ đồng (giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2020).

Như vậy, vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong hai tháng đầu năm 2021 đạt 18,5 tỷ đồng, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là một chỉ số tích cực, cho thấy quy mô của doanh nghiệp đã có xu hướng tăng lên.

Ở một góc độ khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, trong hai tháng đầu năm 2021, có 33.611 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong số này, có 21.636 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 8.380 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể, 3.595 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Nếu chỉ tính riêng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể – 3.595 doanh nghiệp, thì con số này tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, có tới 16/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng. Các lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp giải thể tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 là sản xuất phân phối, điện, nước, gas; vận tải kho bãi và khai khoáng, với tỷ lệ tăng lần lượt là 220%; 53,2% và 50%.

Sau 1 năm hứng chịu những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã “ngấm đòn”. Đó là lý do vì sao, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong hai tháng đầu năm lớn như vậy, nhiều hơn cả số doanh nghiệp được thành lập mới và quay lại hoạt động.

Một con số khác, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện trên cả nước có 5.564 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2020.

Đây là những doanh nghiệp không còn kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký, qua kiểm tra của cơ quan thuế thì không tìm thấy và không liên lạc được. Những doanh nghiệp này có thể đang hoạt động, đã chuyển địa điểm kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan nhà nước hoặc đã ngừng hoạt động nhưng không đăng ký.