Hơn 70% DN phân phối, bán lẻ… “thờ ơ” với thời cuộc
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Sáng nay (3/3), Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức Hội thảo “phản biện và góp ý xây dựng chính sách – pháp luật: Nhận thức và hành động của cộng đồng DN bán lẻ”.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập, mở cửa thị trường và cạnh tranh gay gắt với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, phản biện góp ý xây dựng chính sách pháp luật nói chung và về mở cửa thị trường phân phối – bán lẻ trong các FTA nói riêng là rất quan trọng.

Các nhà bán lẻ cần chủ động tham gia phản biện, xây dựng chính sách, pháp luật không chỉ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà bán lẻ – phân phối mà còn xây dựng, thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng DN và nền kinh tế.

Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đánh giá, chính sách pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực bán lẻ còn nhiều bất cập, chồng chéo, thiếu hơi thở cuộc sống… và đặc biệt việc thực thi các chính sách, pháp luật này còn chưa hiệu quả.

Một nguyên nhân là việc phản biện và đóng góp xây dựng chính sách, pháp luật chưa tốt. Khảo sát của Hiệp hội cuối năm 2015, chỉ 28,3% DN sẵn sàng tham gia phản biện, góp ý xây dựng chính sách, pháp luật và cũng đến 38% DN được hỏi quan tâm và tìm hiểu nội dụng của các FTA thế hệ mới mà Chính phủ Việt Nam đang đàm phán và ký kết.

Qua đó cũng cho thấy con số đáng báo động khi có hơn 70% DN phân phối, bán lẻ được khảo sát tỏ thái độ thờ ơ, thiếu quan tâm đến tình hình thời sự trong nước và trên thế giới, đặc biệt là các thay đổi về chủ trương, chính sách hoặc các quy định, pháp luật mới liên quan đến công việc kinh doanh của mình.

Kết quả khảo sát còn chỉ ra thực trạng DN còn có tâm lý chấp nhận các quy định chính sách một cách thụ động, đối phó là chính thay vì chủ động tham gia tác động đến việc ban hành chính sách, pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực bán lẻ.

Do đó, việc ban hành chính sách, pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực này thường thiếu ý kiến của các đại diện DN, hiệp hội DN. Và khi thực thi, nhiều quy định đã gây khó cho chính các DN như quy định về vấn đề thanh toán điện tử, mức trần chi phí quảng cáo – khuyến mại… Một số quy định như vậy đã được bãi bỏ sau khi Hiệp hội đấu tranh nhưng vẫn còn nhiều quy định đang có hiệu lực.

Các FTA thế hệ mới có nhiều chính sách liên quan trực tiếp đến lĩnh vực bán lẻ sẽ tạo ra sức ép về cạnh tranh cho các DN Việt Nam với hàng hóa giá rẻ, kinh nghiệm quản lý, dịch vụ chất lượng tốt từ các nước thành viên TPP trên chính thị trường nội địa.

Do đó, Hiệp hội mong muốn các DN bán lẻ sẽ chủ động tham gia nhiều hơn nữa vào hoạt động phản biện, góp ý xây dựng chính sách, pháp luật để tự bảo vệ mình.

Còn cộng đồng các DN bán lẻ vẫn hy vọng Nhà nước vẫn có thể thực hiện các chính sách nhất định để hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước và ngành dịch vụ phân phối – bán lẻ nói riêng phát triển và cạnh tranh bình đẳng một cách hợp lý, hợp pháp không vi phạm các cam kết hội nhập.

 Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam