Hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý chất thải rắn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chất thải rắn gia tăng nhanh chóng

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, hiện tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh trên toàn quốc ước tính khoảng 21.500 tấn/ngày. Còn theo dự báo của Bộ Tài nguyên và Môi truờng thì, đến năm 2015, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ các đô thị ước tính khoảng 37 nghìn tấn/ngày và năm 2020 là 59 nghìn tấn/ngày, cao gấp 2 – 3 lần hiện nay. Lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị gia tăng nhanh chóng nhưng hiện tại, công nghệ xử lý chủ yếu vẫn chỉ là chôn lấp và chế biến chất thải hữu cơ thành phân compost. Trong khi đó, có tới 85% số đô thị từ thị xã trở lên sử dụng biện pháp chôn lấp không hợp vệ sinh gây ô nhiễm môi trường, tốn nhiều diện tích đất và lãng phí nguồn tài nguyên rác có khả năng tái chế. Hình thức chế biến phân hữu cơ thì được áp dụng ở khoảng 9% số đô thị từ thị xã trở lên, tổng công suất hiện tại khoảng 1.400 tấn/ngày. Tuy nhiên, hầu hết các dự án sử dụng nguồn vốn ODA và công nghệ, thiết bị nhập ngoại chưa phù hợp với đặc điểm rác không được phân loại tại nguồn như ở nước ta.

Chính vì những hạn chế đó mà lượng chất thải rắn thu gom chỉ mới đạt khoảng 70% và chủ yếu tập trung ở nội thị. Tại nhiều đô thị, khu công nghiệp chất thải nguy hại chưa được phân loại riêng, còn chôn lấp chung với chất thải sinh hoạt.

Trước thực trạng đó, Chính phủ vừa giao Bộ Xây dựng gấp rút xây dựng Chương trình tổng thể xử lý chất thải rắn sinh hoạt, áp dụng công nghệ hạn chế chôn lấp giai đoạn 2010-2020. Theo đó, mục tiêu đến năm 2015 là 85% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, trong đó 60% được tái chế, tái sử dụng. Đến năm 2020, tỷ lệ chất thải thu gom đạt 95%, chất thải tái chế đạt 85%. Kế hoạch đã bắt đầu được triển khai, tuy nhiên để hoàn thành mục tiêu đặt ra thì vẫn còn quá nhiều vấn đề cần giải quyết, chứ không chỉ riêng việc xây dựng chương trình…

Cần thêm cơ chế, chính sách phù hợp

Không thể phủ nhận việc xử lý chất thải rắn của chúng ta hiện còn quá nhiều hạn chế, ảnh hưởng lớn tới môi trường và đời sống của người dân. Nguyên nhân dễ nhân thấy là do công nghệ xử lý còn chưa hoàn thiện. Các công trình xử lý chất thải rắn thì manh mún, phân tán, khép kín theo địa giới hành chính nên việc đầu tư, quản lý kém hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn ở các cấp còn thiếu và yếu, ngay cả quy hoạch tổng thể quản lý chất thải rắn thống nhất trên quy mô toàn quốc và các chương trình, kế hoạch ưu tiên đầu tư cũng chưa được xây dựng hoàn chỉnh.  Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật lại chưa đầy đủ, thiếu cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; Cơ chế phân công, phân cấp, phối hợp trong quản lý nhà nước về chất thải rắn chưa rõ ràng và chưa đề cao trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương.

Để công tác xử lý chất thải rắn đạt được hiệu quả như mong đợi thì phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn và đổi mới công nghệ xử lý. Nhưng muốn làm được điều đó thì lại phải xây dựng một loạt các cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, nghiên cứu khoa học công nghệ và đặc biệt là tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho các dự án xử lý chất thải rắn. Chứ như hiện nay với cơ chế cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước, hầu hết các dự án đều không đảm bảo về phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay. Tuy nhiên, cũng không thể dựa hoàn toàn vào vốn đầu tư từ Nhà nước mà các địa phương cũng phải căn cứ vào hệ thống chính sách chung để chủ động huy động các nguồn lực xã hội đầu tư, xây dựng các nhà máy hoặc giải pháp xử lý chất thải với quy mô, tính chất phù hợp.

Còn về mặt pháp lý, cần nhanh chóng hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan, phân công đủ, đúng, rõ trách nhiệm cho các bộ, ngành tránh sự chồng chéo dẫn đến hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm khi sự việc phát sinh. Thực tế, thời gian qua đã có nhiều văn bản liên quan đến công tác này được Chính phủ và các địa phương ban hành nhưng do công tác kiểm tra giám sát và xử lý các vi phạm của các cơ quan quản lý còn chưa được quan tâm vì nhiều lẽ nên hiệu lực của các quy định rất hạn chế. Yêu cầu đặt ra là song song với việc ban hành văn bản pháp luật thì khâu giám sát trách nhiệm thực thi và các hình thức xử phạt cần phải được thực hiện nghiêm túc hơn nữa. 

Với quy mô dân số đô thị không ngừng tăng lên, mức sống người dân được nâng cao, công nghiệp hóa phát triển mạnh mẽ, công tác quản lý chất thải rắn ở nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Vì vậy, tiến hành đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ là cơ sở để thực hiện hiệu quả chiến lược quản lý chất thải rắn tại các đô thị, nhằm bảo vệ môi trường và góp phần phát triển KT- XH bền vững.

Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân