Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung :Quy định đã có nhưng khó thực thi
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Có bắt buộc bằng tiếng Việt?

Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 99/2011/NĐ-CP, một trong những điều kiện quan trọng của hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung là phải được lập thành văn bản, ngôn ngữ sử dụng phải bằng tiếng Việt. Như vậy, nếu hợp đồng theo mẫu do tổ chức, cá nhân soạn thảo để giao dịch với nhiều người tiêu dùng mà không bằng tiếng Việt là vi phạm pháp luật. Sẽ không có gì đáng bàn nếu như các quy định này bảo đảm được tính thống nhất và khả thi. Vướng mắc phát sinh khi Nghị định 19/2012/NĐ-CP cũng có quy định về nội dung này nhưng khác ở chỗ tổ chức, cá nhân kinh doanh sẽ bị xử phạt nếu ngôn ngữ trong hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không bằng tiếng Việt “trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật quy định khác”. Như vậy, chiểu theo Nghị định này thì hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung có thể không phải là tiếng Việt trong một số trường hợp nhất định.

Giải thích về điểm còn mù mờ, thiếu thống nhất của hai văn bản này, một chuyên gia của Cục Quản lý Cạnh tranh đã nhấn mạnh: “dứt khoát phải bằng tiếng Việt”. Thế nhưng, thực tế lại cho thấy, một số hãng hàng không nước ngoài đặt trụ sở và bán vé tại nước ta trong khi hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung của họ áp dụng theo quy định của Công ước quốc tế mà Việt Nam đang là thành viên. Do vậy, việc chấp nhận hợp đồng mẫu trong trường hợp này không bằng tiếng Việt là điều đương nhiên. Bên cạnh đó, nước ta cũng đang tham gia ký kết các Hiệp định hợp tác song thương, đa phương cụ thể như đàm phán với Ucraina về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, công dân của Ucraina sinh sống và làm việc tại Việt Nam sẽ được bảo đảm quyền lợi như công dân Việt Nam sinh sống tại nước bạn.

Câu hỏi đặt ra là hợp đồng theo mẫu bằng tiếng Việt có bảo đảm được quyền lợi cho tất cả những người tiêu dùng trong xã hội hay không bởi “người tiêu dùng trong nước đâu chỉ có riêng người Việt Nam” – Giám đốc Trung tâm Pháp luật Cạnh tranh và Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng, ĐH Luật Hà Nội – Nguyễn Thị Vân Anh nói.

Nên chăng, có thể quy định ngôn ngữ hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung bằng cả tiếng Anh để thuận tiện cho việc áp dụng, giúp cho người tiêu dùng là người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình.

Thiếu sự hợp tác của doanh nghiệp

Quyết định 02/2012/QĐ-TTg dự kiến sẽ có tới 15 nhóm hàng hóa phải đăng ký hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung trong đó có dịch vụ ngân hàng, khám chữa bệnh, giáo dục. Thế nhưng, “gần như tất cả những hiệp hội, tổ chức có liên quan vì lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ đều phản đối, vùng lên mạnh mẽ không muốn bị kiểm soát bởi Quyết định này” – Phó cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, Nguyễn Phương Nam chia sẻ.

Mặc dù đã rút xuống chỉ còn 9 nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải chịu sự điều chỉnh của Quyết định 02 như điện, nước, viễn thông, truyền hình cáp, internet… nhưng tới nay, rất ít doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực này tại các địa phương tới đăng ký. 

Phó giám đốc Sở Công thương – Tỉnh Lạng Sơn, Bùi Gia Tuấn cho biết: với 9 hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký thì ở Lạng Sơn có tới 7 hàng hóa dịch vụ nhưng đến nay chỉ có Công ty Cổ phần Truyền hình Cáp thực hiện, một số doanh nghiệp sử dụng hợp đồng mẫu của Tập đoàn, Tổng công ty đăng ký tại Cục Quản lý Cạnh tranh nhưng cũng có doanh nghiệp chỉ hoạt động trong phạm vi tỉnh, không có đơn vị cấp trên vẫn chưa đi đăng ký.

Tính đến giữa tháng 6, Cục Quản lý Cạnh tranh chỉ mới tiếp nhận được 16 đơn đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung từ các doanh nghiệp. Sẽ không có khó khăn gì nếu trên thực tế các doanh nghiệp nghiêm túc triển khai thực hiện. Theo ông Nguyễn Phương Nam, hoạt động này không nhận được sự hợp tác của nhiều doanh nghiệp, ngoài hợp đồng mua bán điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Điều lệ Vận chuyển hành khách bằng đường sắt thì tất cả hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung đăng ký trên Cục đều không hợp lệ.

Mua bán căn hộ chung cư, các dịch vụ sinh hoạt do đơn vị quản lý khu chung cư cung cấp cũng là một trong 9 nhóm hàng hóa, dịch vụ phải được kiểm soát theo Quyết định 02 nhưng tới nay việc đăng ký hợp đồng mẫu vẫn chưa đạt yêu cầu. Thực tiễn cho thấy những hợp đồng mẫu đã được ký kết với người tiêu dùng trước đó luôn nảy sinh những mâu thuẫn gay gắt và phức tạp. Việc kiểm soát những điều khoản quy định trong hợp đồng mẫu mua bán căn hộ chung cư càng cần thiết hơn, phải được tiến hành một cách chặt chẽ, hợp lý để dung hòa được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên song cũng bảo đảm tối đa nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng.

Đến nay, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có hiệu lực nhưng có điều chỉnh và xử phạt được những hành vi vi phạm, thiếu hợp tác của doanh nghiệp đồng thời khắc phục tình trạng văn bản luật đã có nhưng khó khả thi hay không vẫn là câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ.

Thu Trang
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân