Hướng dẫn quảng cáo thực phẩm ngành y tế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

13 điều cấm

Theo Luật Quảng cáo, các sản phẩm có liên quan đến lĩnh vực y tế phải được ngành y tế cấp giấy tiếp nhận hồ sơ đăng ký quảng cáo. Lãnh đạo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, đây là quy định bị vi phạm nhiều nhất. Nhiều đơn vị quảng cáo mà không có giấy thẩm định nội dung, hoặc quảng cáo không đúng nội dung đã thẩm định, khiến người tiêu dùng như lạc vào mê hồn trận sản phẩm. Một số quy định khác lại chung chung, ví dụ, quảng cáo không được gây hiểu lầm cho người tiêu dùng nhưng thế nào là gây hiểu lầm, quảng cáo đến mức nào là hiểu lầm thì không rõ.

Vì vậy, Dự thảo Thông tư Hướng dẫn về thông tin, quảng cáo thực phẩm đã quy định rõ, cụ thể 13 hành vi bị cấm trong hoạt động thông tin, quảng cáo thực phẩm. Theo đó, quảng cáo thực phẩm khi chưa có Giấy tiếp nhận đăng ký hồ sơ thông tin, quảng cáo của cơ quan y tế có thẩm quyền cấp là một trong những hành vi bị nghiêm cấm đầu tiên.

Tiếp theo, Dự thảo cũng nghiêm cấm các hành vi: quảng cáo thực phẩm là hàng giả, hàng kém chất lượng; thông tin, quảng cáo thực phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; sử dụng lợi ích vật chất hay tài chính dưới mọi hình thức để tác động đến cán bộ quản lý, cán bộ y tế nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ thực phẩm; thông tin, quảng cáo thực phẩm quá tác dụng thật của sản phẩm hoặc dưới hình thức bằng các bài viết của thầy thuốc, nhân viên y tế hướng dẫn dự phòng, điều trị bệnh.
Bộ Y tế cũng yêu cầu quảng cáo thực phẩm không được sử dụng các kết quả nghiên cứu lâm sàng chưa được hội đồng khoa học nghiệm thu để  thông tin, quảng cáo thực phẩm; dùng câu chữ khiến người đọc lầm tưởng sản phẩm này là tốt nhất, tuyệt đối an toàn hoặc so sánh thực phẩm của mình tốt hơn thực phẩm của tổ chức, cá nhân khác… Ngoài ra, các hành vi: thông tin, quảng cáo thực phẩm có hình ảnh, âm thanh, nội dung không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam; thông tin, quảng cáo thực phẩm không phù hợp với nội dung đã công bố  mà không có tài liệu khoa học chứng minh hợp pháp; phát hành cho người tiêu dùng tài liệu thông tin về thực phẩm dùng cho nhân viên y tế; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, cán bộ y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm cũng bị cấm. Cuối cùng là các hành vi bị nghiêm cấm khác đã được pháp luật về quảng cáo quy định.

Sẽ thu hồi Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm nếu vi phạm

Dự thảo dành Chương 2 với 6 điều để quy định điều kiện thông tin, quảng cáo sản phẩm. Về nội dung quảng cáo thực phẩm, Dự thảo quy định: nội dung quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, poster, áp phích phải bảo đảm đúng tác dụng của sản phẩm khi công bố, ngoài các nội dung công bố, nếu có nội dung khác thì phải có tài liệu khoa học chứng minh và phải bảo đảm chính xác, trung thực các nội dung sau: tên sản phẩm; xuất xứ hàng hóa, tên địa chỉ nhà sản xuất, nhà nhập khẩu; tác dụng của sản phẩm (nếu có); các cảnh báo khi sử dụng sản phẩm (nếu có); hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản (đối với các sản phẩm có cách sử dụng, cách bảo quản đặc biệt). Riêng với các sản phẩm thực phẩm chức năng phải có dòng chữ hoặc lời đọc “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, chữ  viết phải bảo đảm dễ đọc, lời đọc phải nghe được trong điều kiện bình thường. Đối với các sản phẩm sữa khi quảng cáo phải tuân thủ theo Nghị định số 21/2006/NĐ – CP ngày 27.2.2006 về việc kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ. Đối với quảng cáo trên bảng, biển, panô, kệ giá kê hàng, túi sách, vật thể trên không, dưới nước, vật thể di động không nhất thiết phải chứa đầy đủ các nội dung thông tin về sản phẩm (cách dùng, tác dụng, bảo quản) nhưng phải bảo đảm phù hợp với nội dung đã công bố.

Trong Dự thảo Thông tư, Bộ Y tế giao cho Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký nội dung thông tin, quảng cáo, nội dung hội thảo đối với các loại thực phẩm do Cục tiếp nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm hoặc công bố hợp quy. Sở Y tế các tỉnh, thành phố hoặc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm nếu được Sở Y tế ủy quyền, có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có trụ sở trên địa bàn, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm.

Về xử lý vi phạm, Dự thảo quy định: đơn vị, cá nhân vi phạm tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đình chỉ việc quảng cáo hoặc thu hồi Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm hoặc Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy thực phẩm vi phạm hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Thời gian hết hạn góp ý kiến vào Dự thảo Thông tư vào 13.10 tới.

Minh Nguyệt
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân