Kẽ hở của hợp đồng thương mại
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo luật sư Nguyễn Trường Thành, Đoàn luật sư TP Cần Thơ, các hợp đồng thương mại hiện nay được các bên cố tình soạn thảo theo tình tiết có lợi cho họ, nội dung hợp đồng quá sơ sài, không đúng quy định của pháp luật nên khi xảy ra tranh chấp thì phần thua thiệt thuộc về phía đối tác tham gia thực hiện hợp đồng.

Hợp đồng thiếu tính pháp lý

Dẫn chứng từ tranh chấp gần đây mà luật sư Thành tham gia trong vụ kiện mua bán cá tra giữa các hộ nông dân với một DN chế biến thủy sản ở TP Cần Thơ. Theo các điều khoản ghi trong hợp đồng, thì “Tòa Kinh tế TP Cần Thơ là nơi giải quyết cuối cùng”, hoặc “số lượng, đơn giá, trị giá hợp đồng, quy cách, chất lượng…” rất rối rắm. Trong khi đó điều khoản thanh toán lại chung chung: “Bên A thanh toán tiền cho bên B sau 10 ngày, kể từ ngày thu hoạch dứt điểm là 50%, còn lại 50% sẽ thanh toán dứt điểm 10 ngày tiếp theo, mỗi đợt thanh toán vào ngày thứ 7 hàng tuần tại địa chỉ Cty”. Theo luật sư Thành, Tòa Kinh tế TP Cần Thơ không phải là Tòa án giải quyết cuối cùng mà chỉ có thể là lần đầu, còn phúc thẩm lại do Tòa Phúc thẩm, Tòa án Tối cao tại TP HCM xét xử. Hơn nữa, trong điều khoản thanh toán lại không xác định thanh toán bằng tiền mặt hay chuyển khoản nên sẽ vô nghĩa khi phía DN sử dụng hình thức chuyển khoản để thanh toán vào ngày thứ 7.

Điều mà luật sư Thành quan ngại nhất trong các điều khoản của hợp đồng thương mại chính là các bên không lường trước được những tình huống có thể xảy ra như thiên tai hoặc khi DN tuyên bố giải thể hoặc phá sản để xây dựng thêm các điều khoản trong hợp đồng như “điều khoản bất khả kháng”; “điều khoản bảo hiểm đối với các hợp đồng mua bán nông sản có bảo lãnh của ngân hàng hoặc bên thứ 3”… điều này sẽ giúp ích cho các bên khi có tranh chấp xảy ra sẽ thuận lợi hơn trong việc thực thi các quyết định của tòa án. Đồng quan điểm này, luật sư Trần Thanh Phong cũng cho rằng các bên khi tham gia hợp tác có ký kết hợp đồng thương mại nên xem xét thật kỹ các điều khoản trong hợp đồng và điều kiện bảo đảm khả năng thanh toán của các bên có bảo chứng của ngân hàng hoặc bên thứ 3 để tránh “tiền mất, tật mang” khi hợp đồng bị vi phạm.

Đứng ở góc độ DN, ông Nguyễn Văn Nhứt, Phó Tổng giám đốc Cty Nam Việt (An Giang) lại cho rằng: “Quan hệ mua bán giữa nông dân và DN là dựa trên cơ sở bình đẳng và đồng thuận, nếu yêu cầu DN phải đặt cọc tiền hay tài sản để đảm bảo thì không có tính khả thi bởi mỗi nông dân khi giao dịch với DN chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ trong cung ứng nguồn nguyên liệu cho DN. Chẳng lẽ mỗi hợp đồng ký kết với nông dân là DN phải mang tài sản mình đi bảo chứng với ngân hàng?

Trong khi đó ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ nhiệm HTX cá tra Châu Phú (An Giang) bức xúc, phần thiệt luôn thuộc về phía các hộ nông dân. Các hợp đồng mua bán giữa nông dân và DN thì phía người bán không nhận được một đồng tiền nào đặt cọc ban đầu, nếu DN rủi ro trong kinh doanh thì xem như bên bán mất trắng.

Nên có sự lựa chọn

Theo luật sư Thành, hiện pháp luật VN quy định có hai tổ chức tài phán về tranh chấp hợp đồng là Tòa án và Trung tâm trọng tài quốc tế VN. Mặc dù Tòa án thường được sử dụng như phương án đầu tiên nhưng theo luật sư Thành có nhiều điểm bất lợi do các cuộc xét xử tổ chức ở xa nơi cư ngụ và tổ chức xét xử ở nhiều cấp tòa nên một vụ tranh chấp có thể kéo dài từ một đến hai năm trở lên kể từ khi tòa thụ lý. Riêng đối với Trung tậm trọng tài quốc tế VN thì vụ việc chỉ khoảng sáu tháng trở lại và việc phán quyết chỉ duy nhất một lần.

Nhiều DN không biết đến phương thức giải quyết tranh chấp nào ngoài Tòa án.

Ông Phan Trọng Đạt – Ban thư ký Trung tâm trọng tài quốc tế VN, cho biết, ưu điểm của các vụ tranh chấp do Trung tâm trọng tài quốc tế VN xét xử là không nhất thiết phía khởi kiện phải đến nộp hồ sơ tại Trung tâm mà chỉ cần gửi hồ sơ qua đường bưu điện. Tuy thủ tục tố tụng Trọng tài có ưu thế rõ rệt so với thủ tục tố tụng tại Tòa án nhưng việc chọn lựa tổ chức tài phán nào để giải quyết tranh chấp khi xãy ra lại do các bên quy định cụ thể trong hợp đồng. Từ quan điểm đó, luật sư Phong cho rằng các Hiệp hội nên phổ biến, tuyên truyền dưới nhiều hình thức khác nhau để thương nhân và DN hiểu rõ đầy đủ thủ tục tố tụng của các tổ chức tài phán để có sự lựa chọn trước khi ký kết hợp đồng.

Tuy nhiên, nhiều DN cho biết thì ngoài tổ chức tài phán là Tòa án thì hầu hết đều không biết đến tổ chức tài phán thứ hai là Trung tâm trọng tài. Ông Nguyễn Văn Đạo – Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty CP Gò Đàng (Tiền Giang) cho biết: “Trong các hợp đồng soạn thảo của DN vẫn lấy Tòa án làm tổ chức phán quyết cuối cùng, còn đối với Trong tài kinh tế thì chỉ mới nghe qua nên chưa hiểu rõ về tổ chức này”.

Thay lời kết

Trước bức xúc của cả hai giới: nông dân và DN, TS Võ Hùng Dũng – Giám đốc VCCI Cần Thơ đề nghị các hộ nông dân khi ký kết hợp đồng có giá trị lớn nên tham khảo các chuyên gia tư vấn pháp luật. Mặt khác, nên liên kết để nâng cao sức mạnh về quy mô, chất lượng sản phẩm cũng như các vấn đề về thể chế, pháp lý.

Trong bối cảnh đất nước đang phát triển và hòa nhập vào nền kinh tế hội nhập với thế giới do vậy theo luật sư Thành, việc xây dựng nội dung của bản hợp đồng thương mại theo đúng quy định của pháp luật là cấp thiết. Đồng thời nên hình thành một loại hình bảo hiểm mới là “Bảo hiểm đối với các hợp đồng mua bán nông sản” nhằm hạn chế những thiệt hại do vi phạm hợp đồng mà một bên mất khả năng tài chính phải giải thể hoặc phá sản.

Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp