Kết thúc đàm phán hiệp định EVFTA Việt Nam – EU: Sẽ xóa bỏ 99% số dòng thuế với EU
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Mở rộng thị trường xuất khẩu

“Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, sẽ tạo điều kiện cho xuất khẩu của VN tăng 50% vào năm 2020 và lên 93% vào năm 2025; trong đó hàng dệt – may xuất khẩu có khả năng tăng 16%, may mặc tăng 40% và ngành đồ da tăng trưởng 31%” – là nhận định của ông Claudio Dordi, Trưởng nhóm chuyên gia tư vấn Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) trước thềm hiệp định EVFTA được ký kết. Dù đứng ở top 5 quốc gia XK dệt may lớn trên thế giới và nhiều năm qua đã XK được vào các thị trường khó tính của EU, song do những yếu kém như thiếu nguồn nguyên liệu, tỉ lệ gia công lớn nên thị phần của VN vào EU vẫn chưa có sự bứt phá. Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt – May VN (Vitas) – bà Đặng Phương Dung – kỳ vọng, tới năm 2018 dự kiến ECFTA có hiệu lực với thuế suất hàng dệt may XK về 0%, VN sẽ tận dụng được nguyên – phụ liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc để tăng tỉ lệ nguyên – phụ liệu, đáp ứng quy tắc xuất xứ sản phẩm trong hiệp định. Bằng cách này, chúng ta vừa giảm được tỉ trọng nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, vừa tăng được kim ngạch XK sang EU – tăng nhanh thị phần XK so với các quốc gia đối thủ chưa ký FTA với EU. Bên cạnh đó, EVFTA cũng sẽ giúp cải thiện vị trí của VN từ chỗ sản phẩm đáp ứng ở nhóm 4 (phân khúc hàng tiêu thụ theo mùa và giá rẻ, biên độ lợi nhuận thấp) lên các phân khúc ở nhóm cao hơn.

Còn theo đại diện Hiệp hội Da – Giày VN, EU là thị trường tiêu thụ giày – dép lớn thứ hai trên thế giới với khoảng 2,8 tỉ đôi/năm, trung bình 5,8 đôi/người/năm. Việt Nam hiện là nước cung cấp giày – dép lớn thứ 2 vào thị trường EU, sau Trung Quốc, nhưng thị phần nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc. Khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, hàng rào thuế quan đối với giày – dép VN vào EU sẽ giảm về 0% theo lộ trình. Lúc đó, Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để tăng kim ngạch và thị phần xuất khẩu tại EU. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay. Năm 2014, Việt Nam có doanh số xuất khẩu dệt – may đạt 20,9 tỉ USD và giày – dép là 12,7 tỉ USD. Ngoài ra, VN còn tăng khả năng cạnh tranh mặt hàng giày da so với các nước chưa có FTA với EU, từ đó thu hút nhiều đơn hàng, tạo ra nhiều công ăn việc làm và thu hút nhiều lao động có tay nghề cao.

Bước ngoặt về thương mại và đầu tư

Với việc kết thúc đàm phán EVFTA, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, đây là hiệp định toàn diện, chất lượng rất cao, đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó, đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển để đưa ra lộ trình phù hợp. Đặc biệt, do cơ cấu xuất nhập khẩu giữa hai bên có tính bổ sung cho nhau khá mạnh, VN có lợi thế lớn khi là nước XK các sản phẩm thế mạnh sang EU, đồng thời có khả năng nhập từ EU các sản phẩm máy móc, thiết bị mà VN chưa sản xuất được. Cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong EVFTA sẽ là một “cú hích” quan trọng, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của VN – Bộ trưởng Hoàng cho biết. Cụ thể, những sản phẩm mà hai bên có thế mạnh là dệt – may, giày – dép, nông – thủy sản, đồ gỗ của Việt Nam và máy móc, thiết bị, ôtô, đồ uống có cồn, một số loại nông sản của EU.

Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 99% số dòng thuế. Đối với chưa đầy 1% số dòng thuế còn lại, hai bên sẽ dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực đầu tư, hiệp định cũng mở ra cánh cửa thu hút đầu tư của EU vào VN. VN là địa bàn trung chuyển, kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực. Các cam kết liên quan đến đầu tư, tự do hóa thương mại – dịch vụ, mua sắm của chính phủ, bảo hộ sở hữu trí tuệ, v.v. cũng sẽ mở ra cơ hội cho cả hai bên tiếp cận thị trường của nhau, đảm bảo lợi ích tổng thể, cân bằng, giúp VN hội nhập nhanh vào nền kinh tế toàn cầu với tư cách là một nền kinh tế thị trường đầy đủ.

EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – EU đã tăng từ 17,75 tỉ USD (năm 2010) lên 36,8 tỉ USD (năm 2014). Trong nửa đầu năm 2015, tổng thương mại hai chiều đạt 19,4 tỉ USD, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt 14,9 tỉ USD và nhập khẩu từ EU đạt 4,5 tỉ USD.

EU cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam. Tính đến hết tháng 6.2015, đã có 23 trong số 28 nước EU đầu tư vào Việt Nam với hơn 2.100 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 38,4 tỉ USD.

Nguồn: Báo Điện tử Lao động