Khó kiềm chế lạm phát nếu kinh tế phát triển không ổn định
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

PV: Ông có thể nêu một vài đánh giá về con số 6,78% của mức tăng trưởng GDP năm 2010?

Ông Đỗ Thức: Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, dù nội lực còn chưa mạnh nhưng kinh tế Việt Nam đã sớm bước ra khỏi khủng hoảng và đạt tốc độ tăng trưởng 6,78%, cao hơn kế hoạch đề ra hơn 0,2% (năm 2009, GDP đạt 5,3%). Tổng GDP theo giá thực tế năm 2010 khoảng 1.951.200 tỷ đồng, tương đương 102,2 tỷ USD. Trong 21 chỉ tiêu theo nghị quyết của Quốc hội giao, có 15 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch.

Con số tăng tưởng 6,78% thể hiện sự phục hồi nhanh, và cao của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2010. Chúng ta đã đạt được mức độ tăng cao so với trước khi chúng ta bị tác động bởi khủng hoảng tài chính trên thế giới. Đồng thời, mức độ tăng trưởng thể hiện đồng đều ở tất cả các khu vực của nền kinh tế nước ta.

Con số này còn là cột mốc khẳng định với thế giới rằng nước ta đã thoát ra khỏi nước chậm phát triển và trở thành một nước có thu nhập trung bình với mức bình quân bằng đô la Mỹ (tính bằng tỉ giá hiện nay) là 1.168 đô la Mỹ cho một người.

PV: Tại báo cáo về số liệu thống kê kinh tế xã hội năm 2010, ông cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát vượt trên hai con số là sự không cân đối giữa tiền và hàng. Tuy nhiên tại Quốc hội, Thống đốc NHNN nói chính sách tiền tệ không ảnh hưởng gì đến kết quả lạm phát năm 2010. Như vậy, phía ngân hàng đã từ chối sự liên quan của họ đến sự việc này. Vậy ông bình luận gì về sự kiện trên?

Với áp lực tăng giá lớn nhất đến từ nhóm lương thực, thực phẩm, nhà ở và vật liệu xây dựng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 12 so với tháng 11 đã đạt mức tăng kỷ lục 1,98% – cao nhất từ đầu năm, đưa CPI năm 2010 từ mức một con số lên hai con số: 11,75%.

Tại một phiên họp Quốc hội trong tháng 11, Thống đốc NHNN có trình Quốc hội về việc chính sách tiền tệ không liên quan đến vấn đề tăng giá, tôi không có bình luận thêm về việc này. Tuy nhiên, trên phương diện nhà làm kinh tế, chúng ta cần hiểu đúng căn nguyên của nó.

Trong bất kỳ nền kinh tế nào thì tiền và hàng cũng luôn luôn phải song hành với nhau, lạm phát là biểu hiện của tiền lớn hơn hàng. Một số chuyên gia đưa ra nguyên nhân cũng là do một phần tâm lý người tiêu dùng, tuy nhiên tâm lý chỉ là một trong nhiều yếu tố và chỉ là nhất thời. Nếu người tiêu dùng không sẵn sàng bỏ tiền ra tiêu dùng thì không thể đánh giá là do tâm lý.

Sâu xa nữa, nếu kinh tế phát triển ổn định, vững chắc thì chúng ta không thể có hiện tượng tiền nhiều hơn hàng. Cải thiện đời sống của người dân là cần, việc nâng lương tối thiểu cũng cần nhưng dẫn đến hiện tượng lạm phát thì có phải là chỉ có nâng lương hay không, hay còn nhiều chính sách tác động? Chúng tôi dựa trên cơ sở số liệu mà phản ánh, còn để đánh giá, bình luận chính sách tiền tệ đúng hay sai thì Tổng cục Thống kê không thể nói được điều đó.

PV: Từ năm 2007 đến nay thì tổng phương tiện thanh toán luôn có xu thế tăng trưởng lớn hơn rất nhiều so với tăng trưởng GDP, vậy ông bình luận gì về chỉ tiêu kiềm chế lạm phát 7% trong năm 2011; liệu đây có phải là một chỉ tiêu khả thi hay không?

Tổng phương tiện thanh toán tăng lên là một trong những yếu tố tiềm ẩn tăng lạm phát. Nếu tích lũy qua nhiều năm, đến một lúc nào đó thì tiền lớn hẳn hơn hàng thì rõ ràng sự mất cân đối giữa tiền và hàng sẽ được thể hiện qua giá cả thị trường. Tăng tín dụng là yếu tố đảm bảo tốt cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, có thể Thống đốc Ngân hàng chỉ so sánh chỉ số của năm nay so với năm trước thì để thấy mức tăng xấp xỉ, hoặc tổng phương tiện thanh toán so với GDP ở mức độ tăng xấp xỉ, mà sự tích lũy lại của nhiều năm trước cho tới nay thì Thống đốc chưa đề cập tới. Trong khi đó, đánh giá sự phát triển cần phải có cả một quá trình.

Chính vì vậy, hiểu một nền kinh tế, hiểu vấn đề cụ thể thì phải hiểu cả quá trình vận động của nó. Đây cũng là điều cần chú ý trong quá trình thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát hàng năm, nếu không chúng ta sẽ gặp nhiều thách thức trong quá trình này. Và con số kiềm chế lạm phát năm 2011 dưới mức 7% mà Quốc hội đặt ra thì đây phải là con số thực hiện cực kỳ quyết liệt.

Tất nhiên, có những năm chỉ số giá tăng cao, nhưng năm tiếp theo chỉ số giá có thể đứng lại với điều kiện, một nền kinh tế phải ổn định và vững chắc; tiền và hàng phải được cân đối. Nếu chúng ta chưa đạt được vấn đề cân đối tiền và hàng thì nguy cơ của lạm phát là còn.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online