Khai báo qua loa
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tôi đang lo. Chỉ có khoảng 20% khách huỷ phòng, 80% còn lại đã đi du lịch và đang trở về sau kỳ nghỉ lễ.

Chính quyền thành phố Vũng Tàu cho biết, riêng ngày 30/4 có hơn 70.000 du khách đến tắm biển. Đà Lạt công bố khoảng 125.000 khách. Con số chắc cũng không nhỏ tại Nha Trang, Đà Nẵng, Sầm Sơn… Hàng chục triệu bản khai y tế đã và đang được điền vào lúc này.

Tôi đã chứng kiến nhiều tờ khai y tế được điền qua quýt, thậm chí là dối trá.

Dù trên mỗi tờ khai đều ghi rất rõ, “tôi cam kết thông tin tôi khai báo là sự thật, tôi chịu trách nhiệm với lời khai của mình”. Nhưng, ta đều đã thấy nhiều vụ việc khai báo gian dối.

Đó là những bản khai y tế “dởm” có chủ đích để tránh bị cách ly. Còn khi chưa xảy ra dịch ở địa phương ta đang đứng, việc khai báo y tế với nhiều người vẫn để đủ thủ tục. Tôi biết những đoàn du lịch, hướng dẫn viên khai giùm cả đoàn và mọi người chỉ việc ký vào. Ở nhiều nơi tôi đến, chồng tờ khai y tế đặt đấy cho đúng quy định, bệnh nhân và người nhà điền thế nào do tự giác.

Vài lần trong tháng tư, tôi đi qua những chốt kiểm dịch, việc khai báo y tế gần như chỉ là khai để qua chốt. Thậm chí, tôi không cần xuất trình căn cước công dân. Trên tờ khai, việc tôi đánh dấu vào ô “có” hay “không” thật sự chỉ là tự nguyện. Cả số điện thoại, tôi cũng có thể đăng ký bừa một số mà tôi không dùng. Phần “địa chỉ”, tôi cũng có thể khai một nơi tuỳ ý.

Tôi để ý, gần như tất cả mọi người qua chốt ngày đầu đợt dịch hôm ấy đều vội viết cho mau. Có lẽ họ lười khai báo, sợ khai kỹ quá nhỡ bị liên luỵ, đang vội quá, hay điền sao cho đỡ phiền phức sau này. Và hình như chẳng mấy ai đang điền tờ khai y tế nghĩ Covid sẽ xảy ra với mình.

Vẫn có người “khôn” như vậy, đến tận bây giờ, khi chúng ta đã trải qua vài đợt dịch và bước sang năm thứ hai Covid. Cũng như chẳng thiếu người đeo khẩu trang để hở mũi, kéo xuống cằm, “nóng quá bỏ ra tý đâu có chết ai”. Hay đám đông trong nhà hàng, quán cafe đang túm năm tụm ba vội vã “giãn cách” khi lực lượng kiểm tra bước vào.

Tôi cũng từng quên khai báo y tế. Lần tôi đưa con gái đến phòng khám. Nhân viên lễ tân rất chu đáo đo thân nhiệt cho hai cha con, phát khẩu trang dù chúng tôi đã có, và đề nghị tôi điền tờ khai y tế.

Vì khá đông người đang điền tờ khai nên nhân viên bảo tôi có thể quét QR code để khai báo điện tử. Tôi giơ điện thoại ra, quét mã QR và điền thông tin. Nhưng chưa kịp điền hết câu hỏi thì bác sỹ gọi đến số của con. Tôi vội vã đưa con vào phòng khám, quên khuấy trả lời nốt phần cuối bản khai.

Tôi quên đến tận lúc này, và có chút xấu hổ khi thấy hình ảnh bãi biển ngày nghỉ lễ ken đặc người, đường về Hà Nội, Sài Gòn dày đặc xe. Liệu các chốt chặn dịch tễ mới lập ra, yêu cầu người khai vội vã bên lề đường – nóng, khói, bụi, mệt chứ không có máy lạnh như ở phòng khám bệnh cho con tôi – có nhận được khai báo y tế trung thực của hàng triệu con người? Liệu có ai trong lúc đông đúc đứng chờ ở chốt y tế, cũng quên như tôi, khai báo hời hợt hoặc một nửa sự thật?

Việc khai báo y tế chỉ trở nên quan trọng khi xảy ra chuyện, khi bạn liên quan đến một ca bệnh.

Khác với 4K còn lại (khẩu trang, khoảng cách, khử trùng, không tụ tập) – những việc người khác có thể thấy ngay bằng mắt sự tuân thủ của bạn, có thể nhắc nhở hoặc chỉ bằng một ánh mắt, khiến bạn xấu hổ. Những bản khai y tế mang tinh thần của sự tự nguyện, đòi hỏi sự trung thực trong mỗi con người. Bạn tích vào ô nào, trả lời đúng hay không, chỉ mình bạn biết.

Nếu tôi đề nghị bạn, ngoài thông điệp 5K, xin điền thông tin chân thật và đầy đủ vào tờ khai báo. Có thể bạn sẽ nghĩ, quanh mình ai cũng khỏe, Covid thế nào được? chỗ đông người như này giữ khoảng cách bằng niềm tin à? đeo khẩu trang và rửa tay rồi thì chả sao; khai chung chung thôi, có gì đỡ bị túm gáy.

Nhưng khai báo đúng chính là cách để bạn được bảo vệ, được thông tin kịp thời khi xảy ra bất cứ ca nhiễm nào. Khai báo y tế là đóng góp của bạn cho cộng đồng.

Hàng triệu bản khai y tế sau kỳ nghỉ lễ này sẽ bỏ đi nếu không có sự cố. Nhưng nếu có ca bệnh trong cộng đồng, tờ giấy A4 đó lại là tất cả trong việc truy vết bệnh dịch.

Dù gia đình tôi chọn ở yên Hà Nội trong kỳ nghỉ, nhưng tôi thú thật mình bị ám ảnh khi nhìn cảnh Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Campuchia với chủng mới của virus tại Anh, Nam Phi, Ấn Độ. Chúng rất có khả năng đã “du lịch” tới Việt Nam. Làm sao chúng ta biết ai trong số hàng chục triệu con người đang trở về từ kỳ nghỉ mang mầm bệnh, đang bị lây nhiễm hoặc đang tiếp tục lây nhiễm khi họ chưa xuất hiện triệu chứng?

Chỉ cần một trong số hàng chục triệu cuộc dịch chuyển có virus, hàng nghìn con người lại lao vào trận đánh mới. Nỗi lo này chỉ có thể kết thúc sau ít nhất 14 ngày nữa, nếu không có ca bệnh mới nào.

Tôi không dám nghĩ đến kịch bản xấu nhất khi mà trong tháng tư vừa qua, Việt Nam bị “bao vây” bởi làn sóng Covid gia tăng từ những quốc gia hàng xóm. Với hàng ngàn km đường biên và đường biển, việc kiểm soát thực sự rất khó khăn. Nó không giống căn hộ của chúng ta, chỉ cần đóng cánh cửa lại là an toàn.

Tôi cũng không dám phán xét những người giữa dịch vẫn đi du lịch. Tôi biết có những gia đình đã chờ đợi rất lâu để cả nhà đi chơi. Có những người chuẩn bị cho chuyến đi từ vài tháng trước. Việc huỷ tour, huỷ phòng hơn một lần từ trước Tết đến nay thực sự khó khăn với người già, con trẻ trong nhà họ. Tôi biết nhiều người không dám đăng ảnh tắm biển vì sợ kỳ thị. Dù gì, họ cũng đã đi du lịch rồi.

Trên các cung đường trở về hôm nay sau kỳ nghỉ lễ, tôi thật mong, dù biết là rất khó, rằng lực lượng chốt chặn các cửa ngõ đều nghiêm túc trong việc kiểm soát khai báo y tế. Họ có thể chụp cả căn cước công dân trên mỗi tờ khai để người khai gắn trách nhiệm công dân với mỗi lời khai của mình.

Và nếu bạn mở tờ khai ra, xin vài giây nhìn lại. Những người đang làm công tác chống dịch trước mặt mình, họ chẳng có lấy một ngày nghỉ với người thân. Một từ bạn cố tình viết chệch đi sự thật đủ khiến cả nước phải chống chọi với chập trùng khó khăn. Và, khai y tế không chính xác còn có thể bị áp dụng biện pháp hình sự.

Ta cần càng nhiều dữ liệu càng tốt để phục vụ việc đối phó với làn sóng dịch thứ ba nếu nó tới. 14 ngày tới là thời gian thử thách để giữ vững thành trì chống dịch cho Việt Nam.

5K ở trên đường, trường học, công sở, toà nhà, ngôi chợ trong hai tuần tới còn để bảo vệ cả một mùa hè phía trước.

Hoàng Anh Tú