Khai mạc Phiên họp thứ Mười một của UBTVQH
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Sáng 21.8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã khai mạc Phiên họp thứ Mười một. 
      
Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, UBTVQH đã nghe và thảo luận về Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý đất đai, mua bán cổ phiếu trong thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
      
Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo kết quả giám sát của UBTVQH về tình hình cổ phần hóa và thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, mua bán cổ phần trong quá trình cổ phần hóa DNNN đều khẳng định: cổ phần hóa là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Đây là một giải pháp quan trọng để đẩy mạnh cải cách và đổi mới DNNN. Cổ phần hóa đã động viên được các nguồn lực của xã hội đầu tư vào sản xuất ra của cải cho xã hội, góp phần tích cực vào công cuộc tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách Nhà nước… Tuy nhiên, so với yêu cầu và mục tiêu thì tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn chậm. Số lượng DNNN cổ phần hóa nhiều, nhưng phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được cổ phần hóa còn nhỏ. Việc đưa giá trị quyền sử dụng đất và giá trị lợi thế về vị trí địa lý vào giá trị doanh nghiệp còn nhiều bất cập, vướng mắc bởi cơ chế quy định tại pháp luật về đất đai chưa bảo đảm tính công bằng…
      
Nhiều Ủy viên UBTVQH cơ bản đồng thuận với những đánh giá nêu trên và tập trung đóng góp các ý kiến, đề xuất giải pháp nhằm bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật và tiến độ cổ phần hóa theo kế hoạch đã đề ra. Chủ nhiệm UB Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển– Trưởng đoàn giám sát về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý đất đai, mua bán cổ phiếu trong thực hiện cổ phần hóa DNNN- nêu lên 4 tiêu chí để công tác cổ phần hóa triển khai có hiệu quả. Thứ nhất, đối với các DNNN có vị trí quan trọng trong việc bảo đảm sự điều tiết nền kinh tế của đất nước thì Nhà nước phải giữ cổ phần chi phối theo quy định của pháp luật. Thứ hai là trong quá trình cổ phần hóa phải tạo điều kiện để người lao động được mua một phần cổ phần ưu đãi và trở thành người chủ thực sự của công ty cổ phần. Thứ ba, cổ phần hóa DNNN không được làm thất thoát giá trị tài sản của Nhà nước, các tài sản đó phải được định giá đúng theo giá thị trường. Thứ tư, cổ phần hóa DNNN phải thể hiện rõ vai trò quản lý của Nhà nước, của người lao động, tránh tình trạng cổ phần của công ty cổ phần rơi vào tay một số người. 
      
Theo Báo cáo của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), sau cổ phần hóa, trước khi giao vốn về SCIC đã có hiện tượng pha loãng vốn Nhà nước bằng nhiều hình thức như tăng vốn điều lệ, bán cổ phần của Nhà nước hay bán bớt cổ phần rồi mua lại với giá cao… Hiện tượng này đã gây những thiệt hại đối với lợi ích của Nhà nước. Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng hiện tượng pha loãng nêu trên cần được phân tích kỹ hơn. Một trong những mục tiêu của cổ phần hóa DNNN là huy động được nguồn vốn của xã hội, đóng góp vào sự phát triển của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Như vậy, có thể nói không phải hiện tượng pha loãng nào cũng gây thiệt hại đối với lợi ích của Nhà nước. Cần phân loại, đối với những doanh nghiệp mà Nhà nước phải giữ tỷ lệ cổ phần nhất định vì mục tiêu giữ vai trò quản lý Nhà nước thì nhất thiết phải bảo đảm được tỷ lệ vốn Nhà nước theo quy định của pháp luật- Chủ nhiệm Đào Trọng Thi đề xuất- còn đối với những doanh nghiệp nhỏ mà Nhà nước không có chủ trương giữ vai trò chủ đạo thì vấn đề không phải là bảo toàn tỷ lệ vốn Nhà nước như ban đầu mà phải phát triển theo hướng gia tăng giá trị của số vốn đó. Ý kiến này cũng trùng hợp với quan điểm của một số Ủy viên UBTVQH khác. Đó là việc cổ phần hóa DNNN trong thời gian tới nên triển khai theo hướng, Nhà nước chỉ nên nắm tỷ lệ vốn chi phối ở những doanh nghiệp lớn, giữ vai trò xương sống, tác động tới việc điều tiết nền kinh tế vĩ mô của đất nước chứ không nên ôm cả những doanh nghiệp nhỏ và vừa như hiện nay.  Đây là phương án hết sức phù hợp- Ý kiến của Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển.
      
Một trong những nội dung mà các Ủy viên UBTVQH tập trung thảo luận về kết quả giám sát việc cổ phần hóa là quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Qua giám sát, có thể nhận thấy, trong quá trình cổ phần hóa, người lao động đã được mua cổ phần với mức giá ưu đãi, phù hợp với từng thời kỳ với số lượng cổ phần tương đương thâm niên làm việc tại doanh nghiệp. Nhiều địa phương, Tổng công ty, Tập đoàn… đã thực hiện khá tốt chủ trương này, bảo đảm sự công khai, minh bạch. Tuy nhiên, nhiều Ủy viên UBTVQH đã chỉ ra rằng trong quá trình tổ chức thực hiện, so sánh với mục tiêu thông qua việc mua bán cổ phần ưu đãi để người lao động gắn bó với doanh nghiệp, có thu nhập cao hơn, trở thành chủ sở hữu của một bộ phận vốn của Công ty cổ phần và có điều kiện tham gia quản lý doanh nghiệp thì kết quả đạt được rất hạn chế. Một bộ phận người lao động, nhất là những người lao động nghèo do không đủ khả năng về tài chính để mua hết số cổ phần ưu đãi nên thường bán lại quyền mua cổ phần này cho các đối tượng đầu tư khác (trong hoặc ngoài doanh nghiệp) để hưởng chênh lệch. Việc xác định mức giá ưu đãi bằng 60% mức đấu giá bình quân trên sàn giao dịch để bán cổ phiếu cho người lao động chưa thực sự hợp lý. Thực tế, khi thị trường chứng khoán sụt giảm đã tác động nghiêm trọng đến thu nhập của người lao động, nhất là những người phải đi vay ngân hàng để mua cổ phần ưu đãi… Vấn đề đặt ra đối với công tác cổ phần hóa trong thời gian tới là phải làm sao để người lao động thực sự phát huy được quyền làm chủ của người lao động trong các doanh nghiệp sau cổ phần- Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn nêu vấn đề. Để bảo đảm được mục tiêu trên, một số Ủy viên UBTVQH cơ bản nhất trí với kiến nghị nêu trong Báo cáo kết quả giám sát của UBTVQH: tiếp tục thực hiện bán cổ phần ưu đãi cho người lao động, nhưng theo mệnh giá, theo số năm công tác mà họ làm việc cho Nhà nước; có quy định để người lao động trong doanh nghiệp được mua 1 tỷ lệ cổ phần nhất định trong tổng số vốn điều lệ, cho phép người lao động mua cổ phần trả chậm…

Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân