Khai thông ách tắc trong định giá đất
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Mặc dù Luật Đất đai 2003 quy định, việc định giá đất cần được thực hiện theo hướng sát với giá chuyển nhượng thị trường trong điều kiện bình thường, thế nhưng từ thực tế cho thấy, quy định này là rất khó thực hiện. Phó vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên – Môi trường Bùi Ngọc Tuân cho biết, địa phương nào định giá ở mức cao nhất cũng chỉ bằng 60% so với khung giá của Chính phủ. Hơn nữa, việc xác định giá đất chính xác phải được căn cứ vào thông tin giá đất của nhiều năm, tuy nhiên, ở hầu hết các địa phương lại không có dữ liệu lưu trữ. Ngoài ra, mặt trái của định giá đất thấp đã gây thất thoát một số tiền lớn cho ngân sách Nhà nước do nhiều đơn vị tổ chức sản xuất kinh doanh sau khi được chuyển từ thuê đất sang giao đất đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc đầu tư xây dựng để bán nhà, đất theo giá thị trường. 
     
 Để khắc phục thực trạng này, các chuyên gia cho rằng nên đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất. Trường hợp giao đất theo hình thức chỉ định thì giá tính thu tiền sử dụng đất phải sát với giá chuyển nhượng thực tế ở địa phương và phải có một cơ quan độc lập, có nghiệp vụ chuyên môn xác định giá đất. Đồng thời, thay đổi cơ chế tài chính đất đai, xác định khung giá đất theo hướng ban hành khung giá đất cho khoảng thời gian 3 – 5 năm thay vì điều chỉnh khung giá đất mỗi năm một lần như hiện nay, bởi có những dự án kéo dài nhiều năm mới giải phóng xong mặt bằng. Nếu năm nào cũng thông qua bảng giá đất mới sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư. 
      
Về xác định giá đền bù bồi thường giải phóng mặt bằng, Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng cho biết, vấn đề phức tạp nhất là xác định giá đất giáp ranh giữa đất đô thị và nông thôn, hay khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, vùng miền, đất giáp ranh giữa đất ở với đất sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp. Vì vậy cần bãi bỏ khái niệm “đất giáp ranh”, thay vào đó là thống nhất mức giá đền bù chung đối với đất nông nghiệp cho một vùng. Riêng với đền bù đất ở, khi xác định giá đền bù phải tính đúng giá thị trường tại thời điểm đang sử dụng. Cùng với việc xác định chính xác giá đất theo giá thị trường, các địa phương cần thực hiện đúng các chính sách xã hội theo quy định đối với các đối tượng bị thu hồi đất, như: Hỗ trợ người dân tái định cư, dạy nghề… Thế nhưng, Bộ Tài chính cho biết, vẫn còn một số địa phương chưa ban hành quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Hậu quả là sau khi bị thu hồi đất, số tiền đền bù nhận được không đủ mua đất tái định cư. Khắc phục tình trạng này, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, tới đây tổ chức định giá đất sẽ là đơn vị đứng ra bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho nhà đầu tư. Đơn vị này cũng sẽ bảo đảm giải quyết công ăn việc làm và xây dựng nhà tái định cư cho người dân bị thu hồi đất, nhằm tạo điều kiện cho các công trình thực hiện đúng tiến độ, mà vẫn bảo đảm cho người dân được hưởng đầy đủ quyền lợi từ việc thu hồi đất. 
      
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên – Môi trường thực hiện quản lý tài chính đất đai, trong đó có việc định giá đất thay thế cho Bộ Tài chính. Theo nhận định, quyết định này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển thị trường, bởi việc giao quyền định giá cho Bộ Tài nguyên- Môi trường cũng đồng nghĩa với việc giảm chi phí về thời gian, giảm đầu mối liên hệ cho các đơn vị tổ chức, cá nhân kinh doanh. Hơn nữa, xét về khía cạnh chuyên môn, Bộ Tài nguyên – Môi trường là cơ quan nắm rõ về loại hình đất và có cán bộ chuyên môn về đất đai rộng khắp tới tận cấp xã.

Báo điện tử Người đại biểu Nhân Dân