Khan hiếm vốn: Ngân hàng, doanh nghiệp BĐS “xoay đủ kiểu”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ngân hàng: Khuyến mãi quà tặng và tăng lãi suất không kỳ hạn

Mới đây, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) lại tiếp tục châm ngòi cho một cách huy động mới, là tăng lãi suất không kỳ hạn lên 9%/năm. Thêm vào đó, ngày 14/5 SCB tiếp tục áp dụng trả lãi suất qua đêm vượt ngưỡng 50 triệu cho cá nhân và 100 triệu cho tổ chức, với mức chi trả bằng lãi suất không kỳ hạn cộng với biên độ 2%/năm.

Các ngân hàng khác đã thấy được đây là con đường để huy động vốn hiệu quả, vì không vi phạm vào quy định hiện hành. Vậy nên ngay lập tức sau đó, Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Eximbank đã đưa ra sản phẩm “Tiết kiệm qua đêm 24 giờ”, với lãi suất 10%/năm. Và theo ghi nhận của VietNamNet, các ngân hàng khác đã bắt đầu rục rịch chạy theo cách làm của SCB. Dự kiến một cuộc đua huy động tiền bằng khoản tiết kiệm không kỳ hạn sẽ trở nên ráo riết.

Một hướng huy động khác là các chương trình khuyến mãi. Trong ngày 16/5, cùng với việc ra mắt tập đoàn tài chính, Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương tín (STB) đưa ra một chương trình khuyến mãi rầm rộ mang tên “Cơn lốc quà tặng” với tổng cộng giá trị các giải thưởng lên đến 3 tỷ đồng.

Cứ mỗi khoản tiền gửi từ 20 triệu hoặc 1.000 USD kỳ hạn từ 2 đến 6 tháng và 10 triệu hoặc 500 USD gửi kỳ hạn 7 đến 13 tháng, khách hàng sẽ nhận được một số dự thưởng. 10 ngày một lần STB tổ chức rút thăm và rút trong 7 lần. Quà trúng thưởng là xe BMW, TV LCD LG 32’’, ĐTDĐ Iphone và vé du lịch… cùng nhiều khoản khác.

Linh vực BĐS hiện đang thiếu vốn trầm trọng.

Lĩnh vực BĐS hiện đang thiếu vốn trầm trọng.

Bất động sản: Vay trước của khách hàng

Nếu trước kia khi thị trường địa ốc đang nóng, khách hàng phải chen lấn, giẫm đạp nhau để giành nộp cho được suất đặt cọc trước, thì nay việc nộp tiền cọc lại được trả lãi. Nhiều công ty BĐS đã đưa ra chương trình huy động vốn bằng cách phát hành sản phẩm tương tự trái phiếu.

Tháng 1 vừa rồi, Công ty cổ phần địa ốc Sacomreal đã phát hành 100 tỉ đồng trái phiếu để xây dựng căn hộ Phú Lợi 1. Trái phiếu có mệnh giá 500 triệu đồng, lãi suất 8,8%/năm. Mỗi người mua trái phiếu sẽ được ưu tiên mua một căn hộ, và được giảm giá 5% trên giá trị căn hộ. Thấy hiệu quả, Sacomreal tiếp tục phát hành 750 tỉ đồng để xây dựng dự án Phú Mỹ ở quận 7 trên 1.000 căn hộ. Mức lãi suất trái phiếu là 12%/năm. Cứ mua một trái phiếu, người mua sẽ được mua căn hộ tại dự án này, được giảm giá 8% trên giá trị căn hộ.

Cách làm này hiện nay đang được các công ty BĐS vận dụng phổ biến. Khách hàng chỉ cần cho Công ty Vạn Phát Hưng vay 20% giá trị căn hộ, ngoài việc được hưởng lãi suất 12%/năm, còn được quyền mua căn hộ. Các công ty địa ốc khác như Phát Đạt, Thành Công cũng đang tham khảo và dự kiến sẽ đưa ra chương trình huy động vốn tương tự cho các dự án The Everich 2, 3, Thành Công Tower 2, 3, 4…, với vài ngàn tỷ đồng cho mỗi dự án.

Có rủi ro hay không?

Theo các ngân hàng, mặc dù không thiếu vốn nhưng trong bối cảnh việc huy động vốn khó khăn, nên ngân hàng phải có giải pháp huy động để đảm bảo nguồn vốn dự phòng. Hiện nay trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất đã trên 20%. Vì vậy theo lời TGĐ một ngân hàng, việc huy động sản phẩm không kỳ hạn trên thị trường với lãi suất 9 – 10% là chấp nhận được. 

Tuy nhiên theo một chuyên gia TCNH, hiện tại các ngân hàng tập trung quá nhiều vào huy động lãi suất ngắn hạn mà không chú trọng đến nguồn vốn dài hạn, sẽ tạo nên tình trạng mất cân đối trong nguồn vốn và dễ xảy ra rủi ro vì có khả năng ngân hàng sẽ phải sử dụng khoản ngắn hạn để cho vay dài hạn.

Ở lĩnh vực bất động sản, việc phát hành trái phiếu cũng chưa có quy định về quản lý. Thực chất của trái phiếu này cũng chỉ là huy động vốn trước, điều mà trong các quy định của luật đã cấm.

Theo một lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), riêng về loại trái phiếu huy động vốn này, quan hệ của khách hàng và chủ đầu tư dù có hợp đồng vẫn chỉ trên chữ tín là chính, chứ chưa thể quản lý giống như các loại trái phiếu đầu tư tài chính thông thường lâu nay, vì vậy cũng chưa lường hết được rủi ro gì. Theo vị lãnh đạo này, nếu hình thức này trở nên phổ biến, các cơ quan cần có quy định về quản lý loại sản phẩm tiền vay này.

Theo Luật Kinh doanh BĐS, chủ đầu tư dự án không được huy động trước tiền của khách hàng khi chưa xây xong phần móng, trong khi ở đây không những huy động trước, chủ đầu tư còn phải trả khoản lãi 8,8% đến 12%, cộng với giảm giá căn hộ bán ra, sẽ tạo nên chi phí rất lớn. Hiện tại giá vật liệu xây dựng đang cao và vẫn đang trên đà tiếp tục tăng, giá căn hộ của những chương trình huy động vốn này sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Nguồn: VNN