Khi con voi chui lọt lỗ kim 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Kinh doanh xăng dầu vốn là hoạt động kinh doanh có điều kiện, được quy định rất chặt chẽ. Vì sao một mặt hàng trọng yếu, liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia, được quản lý theo diện kinh doanh có điều kiện nhưng thời gian qua đã phát hiện nhiều vụ việc cả trăm triệu lít xăng giả được tiêu thụ dễ dàng, rộng khắp các tỉnh, thành? Cơ chế quản lý nhập khẩu, sản xuất, pha chế, kinh doanh xăng dầu được quy định rất chặt chẽ, nhiều lần bổ sung, điều chỉnh nhưng vì sao vẫn có hàng trăm triệu lít xăng dầu giả đưa ra thị trường? Nguyên nhân là do các quy định còn nhiều kẽ hở, các đối tượng làm xăng giả đã quá tinh vi, hay có sự buông lỏng của đơn vị quản lý?

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an hé lộ những thông tin chi tiết về đường dây 200 triệu lít xăng giả do Phan Thanh Hữu (64 tuổi, ngụ tại TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Hữu Tứ (64 tuổi, ngụ tại Vĩnh Long) cầm đầu. Quá trình điều tra ban đầu phát hiện dấu hiệu buông lỏng quản lý và có hiện tượng bảo kê, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu xăng dầu giả. Đến ngày 31.3, cơ quan công an đã khởi tố 52 bị can về tội buôn lậu, 1 bị can – là cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan – về tội nhận hối lộ.

Để xăng dầu giả, kém chất lượng được đưa vào lưu thông, không chỉ làm thất thu thuế, ảnh hưởng đến việc quản lý kinh tế – xã hội, mà còn gây nguy cơ cháy nổ, mất an toàn cho người sử dụng cũng như đe dọa sự an toàn trong cộng đồng. Nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng phải xem xét lại quy trình quản lý, chất lượng cán bộ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc quản lý kinh tế, quản lý địa bàn, quản lý hoạt động kinh doanh lĩnh vực này.

Hiện có nhiều cơ quan cùng chịu trách nhiệm giám sát về thương mại và chất lượng xăng dầu, như Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an và các địa phương. Nhiều cơ quan quản lý là vậy nhưng lại để lọt các đường dây làm xăng giả quy mô lớn. Trả lời câu hỏi về trách nhiệm quản lý trước tình trạng xăng dầu lậu, xăng giả kém chất lượng quy mô lớn thời gian vừa qua, đại diện Bộ Công thương trả lời rất chung chung rằng: “Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan như Công an, Hải quan, Tài chính… để phòng chống gian lận thương mại, cũng như giám sát hoạt động của các thương nhân kinh doanh xăng dầu”.

Một thông tin rất đáng chú ý trên báo Tuổi trẻ là, theo tính toán, một cửa hàng cần tiêu thụ trung bình 50m3/tháng (500 – 600m3/năm) mới có thể tồn tại. Hiện mỗi doanh nghiệp đầu mối sở hữu 10 cửa hàng và 40 đại lý, như vậy phải nhập tối thiểu hơn 25.000m3/tấn/năm mới sống được. Tuy nhiên, trong danh sách phân giao của Bộ Công thương có đến 5 – 6 doanh nghiệp có tổng lượng phân giao dưới 25.000m3/tấn/năm. Vậy những doanh nghiệp này sống bằng gì? Có sự bất thường về việc mua nhỏ giọt như vậy không?

Trong kinh doanh xăng, dầu, tỷ lệ thuế, phí chiếm đến 50 – 60% đối với giá thành xăng và khoảng 40% với dầu. Nếu buôn lậu thì họ đã lãi tương ứng đến 60% với xăng và 40% với dầu, lên mức gần 10.000 đồng/lít. Còn nếu làm giả, thì lãi thêm 10 – 15%. Đây là mức siêu lợi nhuận, hấp dẫn nhiều cá nhân, doanh nghiệp. Vì vậy, nếu không kịp thời chấn chỉnh những yếu kém, chệch choạc của cơ quan phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại từ cơ sở, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có liên quan; xác định rõ cơ chế giám sát, cơ quan nào chịu trách nhiệm chính nếu để xảy ra tình trạng xăng giả, thì e rằng những quy định, quy trình khắt khe cũng chỉ trên giấy.