Khi công đoàn có quyền khởi kiện
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhờ công đoàn, thắng kiện

Một ví dụ điển hình cho việc tổ chức công đoàn tham gia bảo vệ lợi ích hợp pháp cho NLĐ là trường hợp của chị Nguyễn Thị Thân (Đồng Nai) được Công ty TNHH Sản xuất hàng mây gỗ Đồng Nai – Bochang ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với mức lương gần 3,5 triệu đồng/tháng. Do không còn nhu cầu sử dụng lao động, ngày 15.5.2013, công ty đơn phương đột ngột cho chị Thân thôi việc với lý do: “Giải quyết theo nguyện vọng của NLĐ”. Bức xúc vì bị công ty ra quyết định cho nghỉ việc không đúng quy định của pháp luật, chị Thân đã nhờ Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai) hỗ trợ pháp lý, khởi kiện công ty ra tòa. Tòa án Nhân dân TP Biên Hòa đưa vụ án ra xét xử và buộc Công ty Bochang phải bồi thường cho chị Thân số tiền trên 117 triệu đồng.

Trong mối quan hệ lao động, NLĐ bao giờ cũng yếu thế hơn chủ sử dụng lao động, vì thế khi có tranh chấp NLĐ thường khó tự bảo vệ mình. Nếu vụ việc phải ra tòa, thì cũng ít có điều kiện và kiến thức để theo đuổi vụ án đến cùng. Trong khi đó thực tiễn đã cho thấy, sử dụng quyền lực cưỡng chế của Tòa án là biện pháp hữu hiệu để buộc doanh nghiệp tôn trọng quyền lợi của NLĐ. Đơn cử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH), từ khi cơ quan BHXH Nghệ An được phép khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng BHXH, chỉ trong năm 2014, đã thu hồi được hơn 15 tỷ đồng tiền nợ. Những ví dụ trên đã cho thấy việc trao quyền khởi kiện doanh nghiệp cho công đoàn là quy định phù hợp với tình hình mới, không chỉ giúp nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp, mà còn bảo đảm quyền lợi của NLĐ không bị xâm phạm tùy tiện. Có thể nói nếu quy định này được triển khai tốt trên thực tế, thì công đoàn sẽ thực sự trở thành chỗ dựa của NLĐ mỗi khi bị đối xử bất công.

Tuy nhiên, những vụ việc mà NLĐ thắng kiện như trường hợp của chị Thân chưa nhiều. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc triển khai đưa quy định trên vào thực tiễn cuộc sống còn gặp nhiều bất cập, nhất là khi những nội dung có liên quan đến tố tụng lao động (khoảng 100 điều, khoản) nằm rải rác trong các chương, điều của Bộ luật TTDS 2015. Liên quan tới vấn đề này, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng thừa nhận, Bộ luật TTDS có nhiều điều, nhiều chương nên NLĐ và cán bộ Công đoàn tìm ra những điều liên quan đến mình là hết sức khó khăn.

Muốn thắng kiện, phải có kiến thức pháp luật

 Bộ Luật TTDS năm 2015 quy định: Công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên trực tiếp được quyền khởi kiện các vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể NLĐ; có quyền khởi kiện vụ án lao động khi được NLĐ ủy quyền. Ngoài ra, Công đoàn cấp trên cơ sở có quyền ủy quyền cho LĐLĐ tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, Công đoàn ngành Trung ương, công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam khởi kiện vụ án tranh chấp quyền lợi về kinh phí công đoàn, BHXH.

Mặc dù quy định công đoàn có quyền khởi kiện đến 1.7.2016 mới chính thức có hiệu lực, nhưng nhiều ý kiến băn khoăn, trong bối cảnh hoạt động của hệ thống công đoàn cơ sở còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao; nguồn cán bộ công đoàn nắm về pháp luật, nhất là luật lao động, pháp luật tố tụng liên quan đến quyền và lợi ích của NLĐ còn hạn chế… thì việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng khởi kiện doanh nghiệp vi phạm quyền lợi của NLĐ của tổ chức công đoàn khó đạt được những chuyển biến trong một sớm, một chiều. 

Xuất phát từ thực trạng trên, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xây dựng dự thảo quy trình công đoàn khởi kiện, tham gia TTDS giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể. Cùng với đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã cung cấp các mẫu hồ sơ công đoàn khởi kiện, tham gia TTDS giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể như: Giấy ủy quyền tham gia tố tụng; Đơn khởi kiện; Đơn đề nghị về việc nhập, tách vụ án, áp dụng tiền lệ án; Giấy giới thiệu; Đơn khiếu nại… để các cấp công đoàn áp dụng khi tham gia tố tụng trong các vụ án lao động.

Đánh giá về dự thảo trên, Luật sư Đặng Quang Thắng – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: “Việc xây dựng hướng dẫn quy trình khởi kiện, tham gia TTDS giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể rất cần thiết. Đây là cơ sở giúp cán bộ công đoàn cũng như cá nhân biết được quy trình, thủ tục để từ đó tiến hành các thủ tục pháp lý bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ cho NLĐ. Tuy nhiên, cán bộ công đoàn cơ sở hiện nay bị nhiều áp lực, vướng mắc về cơ chế quản lý, kinh tế, việc làm… Bên cạnh đó, cuộc sống, thu nhập của họ cũng gắn liền với doanh nghiệp và người lao động, vì vậy cán bộ công đoàn  ở cơ sở rất khó để phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình”.

Để nâng cao hiệu quả khởi kiện và tham gia TTDS, ông Đặng Quang Thắng cho rằng: “Phải gắn trách nhiệm và nâng cao hơn nữa vai trò của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Đặc biệt, để việc khởi kiện đạt hiệu quả cao điều quan trọng nhất hiện nay là phải có được nguồn cán bộ có chất lượng cao, nắm rõ những quy định về pháp luật lao động, pháp luật tố tụng liên quan đến quyền và lợi ích của NLĐ để bảo vệ NLĐ một cách thiết thực nhất khi có tranh chấp xảy ra”.

Ngân Anh
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân