Khi hàng xóm ồn ào
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ba tuần qua, tổ dân phố tôi ai cũng sợ đến buổi tối.

Số là bãi đất trống phía sau khu chúng tôi ở xuất hiện một đoàn tổ chức hội chợ, hát lô-tô. Mỗi ngày, từ 7 giờ tối, nhà tôi ăn cơm, họ bắt đầu chạy chương trình đến 11, 12 giờ đêm.

Suốt hơn bốn giờ đồng hồ, hàng chục người thi nhau nói, hát, hò reo và mở nhạc. Tiếng nhạc xập xình, ầm ầm, thùm thụp vỗ vào từng vách nhà, từng phòng ngủ, đến mức chạm tay vào tường có thể thấy rõ nhịp rung bần bật.

Muốn nói chuyện với nhau, chúng tôi phải kêu thật to, không thể xem tivi, làm việc, nghỉ ngơi. Con tôi phải tranh thủ học lúc họ chưa hoạt động và chỉ có thể ngủ được khi họ tắt loa.

Mỗi lần tiếng nhạc bắt đầu nổi lên, tôi cảm giác mình thật sự căng thẳng, ức chế và có thể cáu bẳn với bất cứ ai. Hàng xóm ai cũng kêu, nhưng không biết làm cách nào.

Tôi ra gặp những người tổ chức hội chợ, nhỏ nhẹ nhắc họ giảm âm lượng, chỉnh loa giảm “bass” để không ảnh hưởng nhiều đến bà con. Bởi tôi hiểu, đó là mưu sinh của họ. Nhưng chẳng có gì thay đổi. Mỗi tối họ vẫn hò hét. Càng về khuya, tiếng nhạc sàn càng khủng khiếp.

Tôi gọi điện tới công an phường nhờ nhắc nhở đoàn. “Việc này do bộ phận văn hóa của phường quản lý”, anh cảnh sát khu vực nói. Và theo anh biết, đoàn đã xin phép và phường đã “cấp phép”. Tôi lại tìm gọi cho người phụ trách văn hóa của phường. Anh cán bộ “chưa hề nghe thông tin về việc có đoàn hội chợ hoạt động” và hứa sẽ xác nhận, xử lý theo kiến nghị của dân.

Lại thêm một tuần trôi qua, vẫn không có gì thay đổi.

Tôi đại diện xóm tôi, viết một lá đơn, xin nghỉ làm để lên phường nộp, kiến nghị giải quyết sự việc. Rút kinh nghiệm, tôi yêu cầu cán bộ cho tôi biên nhận đơn và nói rằng, nếu không xử lý, tôi sẽ gửi đơn lên cấp cao hơn hoặc liên hệ truyền thông nhờ họ giúp.

Tối hôm đó, đoàn hát mới dừng mở nhạc. Tôi tự hỏi nếu mình không biết luật và không làm căng thì hàng trăm gia đình sẽ phải cơ cực đến khi nào.

Chịu đựng tiếng ồn quá cỡ, bị tước mất quyền nghỉ ngơi và không bị làm phiền ngay tại chính ngôi nhà của mình; chịu đựng sự tra tấn của karaoke tự phát, tiếng ồn trước sự thờ ơ của người có trách nhiệm đang là tình trạng ở nhiều nơi, đặc biệt tại TP HCM.

Một thời gian, tôi đã phải tính đến chuyển nhà vì các dãy nhà trọ xung quanh tối nào cũng có những cuộc nhậu, hát karaoke, cãi nhau, mở nhạc ầm ĩ. Hát tại nhà thường đi kèm tiệc nhậu. Có hơi men vào, họ gần như bất chấp. Tôi không dám nhắc nhở vì khi đó rất dễ xảy ra va chạm như bao nhiêu vụ việc ẩu đả trong bối cảnh tương tự, không ít lần gây chết người. Chúng tôi đành chịu đựng.

Tôi không bài xích hát karaoke tại các gia đình như một thú vui giải trí lành mạnh, thuận tiện và bình dân. Nhưng hát trong không gian như vậy phải có nguyên tắc. Người gây ra tiếng ồn tại sao không chịu hiểu rằng khi mình hát là đang tra tấn người khác, là vi phạm luật. Tôi không nhắc lại tác hại của tiếng ồn, bởi không ít người đã nói rồi.

Ngoài karaoke, tôi còn thấy rất nhiều quán nhậu, quán cà phê, cửa hàng bán quần áo, đồ điện tử thường xuyên mở nhạc to. Họ đặt loa ngoài cửa, bật nhạc cả ngày từ sáng đến tối với âm lượng rất lớn. Họ chẳng hề quan tâm nó có ảnh hưởng gì đến những người xung quanh không, và lâu nay cũng không bị ai nhắc.

Nếu không may, một ngày hàng xóm của bạn có mặt bằng và cho thuê để bán hàng, có thể sinh hoạt cả gia đình bạn sẽ bị đảo lộn bởi tiếng nhạc ầm ĩ. Hoặc nếu kế nhà bạn có bãi cỏ đẹp, khoảng đất trống, phù hợp cho việc tụ tập thì đó có thể là nguồn cơn của rắc rối. Chỉ cần một chiếc loa di động và vài điện thoại thông minh, bạn sẽ bị tra tấn suốt ngày.

Điều tai hại là hầu hết chúng ta vẫn nghĩ theo cách: tôi hát, tôi mở nhạc ở nhà tôi, phòng tôi, đụng chạm gì đến người xung quanh đâu. Ai không muốn nghe thì bịt tai lại. Thử nghĩ xem, nếu nhà chúng ta có trẻ sơ sinh hay người già, người ốm, họ sẽ sống ra sao?

Chính phủ đã có quy định xử phạt hành chính về hành vi tạo tiếng ồn ngoài chuẩn cho phép và trong khung giờ từ 22 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP. Trong đó, người vi phạm có thể bị phạt đến 160 triệu đồng. Nhưng, có ai thử thống kê bao nhiêu người đã bị phạt do tra tấn lỗ tai và tinh thần người khác bằng tiếng ồn? Bao nhiêu trường hợp đã được cán bộ phường nhắc nhở, đo tiếng ồn để xử phạt?

Ở đây có hai tình huống. Cán bộ chức năng không thực thi pháp luật về tiếng ồn; hoặc quy định không áp dụng được trong thực tế.

Trong cuộc họp mới đây của TP HCM, có nhà chức trách phân trần rằng cán bộ không thể đo tiếng ồn để có cơ sở xử lý. Nhưng theo tôi biết, có nhiều app đo tiếng ồn hoàn toàn có thể tải miễn phí về điện thoại thông minh. Nhà chức trách cũng cho rằng việc xử lý tiếng ồn chưa phân định rõ giữa các cơ quan: tài nguyên và môi trường, ủy ban phường, xã, công an địa phương, cơ quan văn hóa hay an ninh trật tự. Vì thế, ai cũng cho rằng không phải công việc của mình.

Anh trai tôi sống ở Australia, nghe tôi than vãn nên kể rằng. Ở chỗ anh, nếu bị ai đó hay nhìn vào nhà mình và hành vi đó khiến mình bất an, anh có thể báo với cảnh sát. Cảnh sát sẽ lập tức có mặt, yêu cầu người kia giải thích. Đó là chưa nói đến việc gây ồn ào, bất cứ ai cũng có thể gọi điện và cảnh sát sẽ tới ngay gặp người mở nhạc.

Việc chủ tịch TP HCM vừa yêu cầu xử lý “hung thần karaoke tự phát” khiến tôi cảm thấy được an ủi phần nào. Hy vọng, mệnh lệnh ấy không phải một chỉ đạo dân túy.

Đặng Quỳnh Giang