Khi hệ thống hai tỷ giá tồn tại
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Một minh họa không thể phủ nhận là nhiều doanh nghiệp đang không thể mua ngoại tệ để nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất từ ngân hàng với tỷ giá chính thức công bố. Còn người dân xuất cảnh có nhu cầu mua ngoại tệ cũng chịu chung hoàn cảnh, mặc dù theo cơ chế quản lý ngoại hối hiện hành thì đây là những nhu cầu mua ngoại tệ hợp pháp với tỷ giá chính thức.
      
Tại sao phải duy trì ổn định tỷ giá chính thức?
      
Một câu hỏi tất yếu đặt ra là liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể duy trì được tỷ giá chính thức bất chấp chênh lệch cung cầu trên thực tế như hiện nay không? Về lý thuyết, câu trả lời là “có”. Bằng mệnh lệnh và những biện pháp quản lý hành chính, tỷ giá này vẫn có thể tồn tại được trên giấy tờ. Biện pháp đơn giản nhất là hạn chế cầu USD tối đa và cưỡng chế cung USD tối đa. Để làm được việc này thì chỉ có một số doanh nghiệp chọn lọc (và tức là doanh nghiệp nhà nước) được cung cấp USD cho những mục đích cụ thể (và thường là có sự chỉ đạo hay can thiệp trực tiếp của Chính phủ, như trường hợp đối với doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu). Còn phía cung, biện pháp thường được áp dụng là bắt buộc doanh nghiệp có doanh thu bằng USD phải bán một tỷ lệ nhất định trong số này cho ngân hàng theo tỷ giá chính thức. Biện pháp này đã từng được áp dụng suốt một thời gian dài cho đến tận cuối thập kỷ trước. Nhưng trên thực tế thì, như phân tích thêm dưới đây, cơ chế quản lý và can thiệp hành chính này đã bị phá sản trong các thập kỷ trước đây.
      
Từ đây, một câu hỏi tiếp theo được đặt ra là tại sao NHNN lại kiên quyết duy trì ổn định tỷ giá chính thức (bất chấp chênh lệch lớn về cung cầu USD)? Câu trả lời thường được nghĩ ngay đến là để góp phần ổn định giá cả, chống lạm phát. Điều này có thể là đúng vì với việc VNđ không mất giá nhiều so với USD, giá cả hàng nhập khẩu không trở nên quá đắt đỏ hơn nếu quy ra VNđ, và do vậy không làm tăng nhiều chỉ số giá cả hàng tiêu dùng, bao gồm những mặt hàng nhập khẩu này. 
      
Nhưng điều này mới chỉ là lý do bề nổi. Lý do sâu xa có lẽ nằm ở việc Chính phủ muốn giữ cho các doanh nghiệp nhà nước có doanh thu hầu hết bằng VNđ nhưng lại có vay mượn trong nước và nước ngoài bằng USD không bị ảnh hưởng nhiều từ sự biến động tỷ giá theo hướng phá giá nội tệ. Mà những doanh nghiệp loại này lại chiếm một tỷ lệ đa số trong tổng số doanh nghiệp nhà nước, đủ cấu thành một sức ảnh hưởng buộc NHNN phải luôn đặt quyền lợi của chúng lên hàng đầu. 
      
Một lý do sâu xa nữa là có lẽ NHNN quan ngại tác động tâm lý của việc để VNđ bị mất giá nhiều so với USD. Thông thường, việc tuyên bố phá giá của ngân hàng trung ương rất dễ gây ra một phản ứng tâm lý tiêu cực trong dân chúng, dẫn đến tình trạng đua nhau “ly khai” nội tệ vì lo rằng sẽ còn tiếp tục bị phá giá nhiều nữa. Như vậy, tự thân phản ứng này sẽ làm cho mức độ phá giá thực tế của bản tệ lớn hơn nhiều so với mức mà ngân hàng trung ương dự định ban đầu.
      
Những hệ quả của hệ thống hai tỷ giá
      
Vậy việc duy trì hệ thống hai tỷ giá quá khác biệt nhau như thực tế đang xảy ra ở nước ta sẽ mang lại những hậu quả gì? Vì USD cũng là một loại hàng hóa, và khi mà giá của nó không được phản ánh đúng thì cung có xu hướng thu hẹp, còn cầu có xu hướng mở rộng. Tnh trạng kiềm giữ tỷ giá VNđ/USD thấp như hiện nay sẽ chỉ dẫn đến hậu quả là người có USD (ví dụ như doanh nghiệp xuất khẩu, người lĩnh kiều hối) sẽ tìm mọi cách găm giữ USD, hoặc bán ra trên thị trường tự do (và có rất nhiều cách để làm việc này). Còn phía cầu, người có nhu cầu thực sự hay không về USD thì luôn tìm mọi cách để mua được USD với tỷ giá chính thức, và nếu mua được thì coi như họ được một đặc lợi lớn do mức chênh lệch tỷ giá quá lớn. 
      
Tình hình này nếu tiếp diễn trầm trọng thì phương sách cuối cùng NHNN có thể làm được là tung dự trữ ngoại hối của mình ra để giảm sự mất cân đối này. Nhưng biện pháp này thường chỉ là biện pháp “cực chẳng đã” vì dự trữ ngoại hối của NHNN, cho dù có được công bố là đủ lớn để can thiệp bình ổn tỷ giá, với con số chính thức là 20,7 tỷ USD, nhưng ít ai để ý đến một chi tiết rằng không phải tất cả khối lượng USD này đang nằm trong két sắt của NHNN và luôn sẵn sàng cho mục đích can thiệp. 
      
Ngoài chuyện tất yếu là cung cầu ngày càng mất cân đối nghiêm trọng, ngày càng làm tăng áp lực lên tỷ giá chính thức, cơ chế xét duyệt, “xin-cho”, bao cấp lại trở nên hiện hữu hơn bao giờ hết trong thời buổi mà vấn đề mở cửa và tự do hóa thị trường được nhắc đến hàng ngày ở Việt Nam. Cái giá phải trả cho vấn đề này là điều có lẽ không cần bàn.
      
Bên cạnh nguy cơ đẩy lùi nền kinh tế quay trở lại thời kỳ bao cấp, việc tồn tại song song hai loại tỷ giá sẽ dẫn đến việc áp dụng một biện pháp hành chính tất yếu nữa là thanh tra, kiểm soát các đầu mối kinh doanh ngoại tệ trên thị trường tự do (điển hình là các cửa hàng vàng bạc và đại lý thu đổi ngoại tệ). Chưa nói đến việc lực lượng thanh tra và kiểm soát thị trường đang phải thực thi một “nhiệm vụ bất khả thi” khi mà cùng lúc phải dàn mỏng để đảm đương nhiều loại mặt hàng thuộc dạng được Chính phủ kiểm soát giá cả, việc làm này tỏ ra là một tổn thất không hề nhỏ cho xã hội xét dưới góc độ một nguồn lực lớn đã bị chiếm dụng cho mục đích thanh tra, kiểm soát này. Như vậy, mục tiêu ưu tiên chống lạm phát sẽ bị ảnh hưởng bởi chính những biện pháp được thiết kế để thực hiện mục tiêu đó, vì xét cho cùng, những chi phí này sẽ được phản ánh đầy đủ lên áp lực lạm phát.
      
Tóm lại, trên lý thuyết thì có một số lý do và có thể duy trì được tỷ giá chính thức. Nhưng sự kiên định thái quá trong việc ổn định tỷ giá này sẽ chỉ dẫn đến chênh lệch ngày càng tăng giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá trên thị trường tự do, mà kết cục là đến một lúc nào đó chi phí (cả trực tiếp và gián tiếp, cả về kinh tế và xã hội) để ổn định tỷ giá chính thức trở nên quá lớn buộc NHNN không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phá giá, hoặc tệ hơn nữa là thả nổi tỷ giá. Đến lúc đó thì đã quá muộn để kiềm chế lạm phát! Khả năng này luôn hiện hữu nên rất mong rằng những cơ quan hữu trách hãy thận trọng hơn!

Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân