Khi ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thông tin hành lang từ Ngân hàng Nhà nước cho biết nơi đây đã nhận được hơn 40 bộ hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập ngân hàng mới gồm các tổ chức đa dạng từ Tổng công ty Bia Hà Nội cho đến tỉnh Bình Dương, mà đa số chỉ xuất phát từ triển vọng là các ngân hàng nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội “mua lại” một ngân hàng ở Việt Nam.

Mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận về mặt nguyên tắc việc thành lập thêm năm ngân hàng thương mại cổ phần trong nước. Đó là các ngân hàng: Năng lượng, Ngoại thương Châu Á, Ngôi Sao, Bảo Tín và Đông Dương Thương Tín. Các ngân hàng này đều có vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỉ đồng.

Như vậy, cùng với bốn ngân hàng được chấp thuận thành lập vào tháng 12-2007 là Bảo Việt, Dầu Khí, FPT và Liên Việt, số ngân hàng thương mại cổ phần được chấp thuận thành lập mới đã lên tới chín ngân hàng.

Hiện còn 12 bộ hồ sơ xin phép lập ngân hàng cổ phần trong nước còn nằm trên bàn NHNN. Ngoài ra sắp tới NHNN sẽ cấp phép cho sáu ngân hàng con 100% vốn nước ngoài.

Giới tài chính quốc tế cho rằng các ngân hàng như Raiffeisen International (Úc), Ngân hàng ING (Hà Lan), Ngân hàng Barclays (Anh) và Bank of America (Mỹ) dù chưa có sự hiện diện đáng kể tại thị trường Việt Nam vẫn đang hướng tầm nhìn vào các ngân hàng trong nước.

Sự bùng phát trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay có một số nền tảng vững chắc: tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng ở mức trên 8,5% cùng với sự tăng trưởng tín dụng đạt mức trên ba con số và tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt mức kỷ lục trong năm 2007. Tuy tỷ lệ lạm phát của chúng ta ở mức hai con số trong năm 2007 và thâm hụt ngân sách ở mức 6,9% GDP, nhưng giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ajay Chhibber tin tưởng rằng Việt Nam sẽ ít chịu tác động do suy thoái kinh tế toàn cầu so với năm năm trước đây, bởi Việt Nam đã đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu cũng như các loại sản phẩm, như dầu thô chiếm 18%, nông sản 18%, công nghiệp 52% và dịch vụ là 11%.

Theo ông Chhibber, Việt Nam cũng đang nổi lên như một nền kinh tế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á với hệ thống chính trị ổn định, các chính sách vĩ mô rõ ràng, việc trở thành thành viên WTO cùng các cải cách đang tiếp diễn đã đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại và địa điểm đầu tư rất hấp dẫn.

Trong tình hình như vậy, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam nhận định Chính phủ sẽ không để mất những động lực cải cách và nhận thức được sự cần thiết hiện đại hóa các tổ chức tài chính ngân hàng để đối phó với những thách thức bao gồm các luồng vốn lớn đổ vào trong nước và bảo vệ sự ổn định của khu vực tài chính.

Một số ngân hàng nước ngoài cho rằng theo các tiêu chuẩn kế toán quốc tế, những số liệu thống kê chính thức về các khoản vay chưa được sử dụng thực sự (NPL) chỉ chiếm 2,1% trong hệ thống tài chính, trong khi đó con số này ở Việt Nam, tính đến thời điểm hiện nay, là 25%. Có thể nói chính điều ấy khiến Ngân hàng Nhà nước cần có các giải pháp thúc đẩy hoạt động tín dụng để tạo sự ổn định của toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Hiện nay, sự cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng ở nước ta tuy có gia tăng nhưng không đáng kể, trong đó bốn ngân hàng lớn thuộc sở hữu của Nhà nước chiếm khoảng 60% thị phần và khoảng 20 trong số 36 ngân hàng cổ phần có quy mô rất nhỏ. Bên cạnh đó còn có 39 ngân hàng nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam nhưng đa số chỉ để phục vụ cho các công ty của nước họ có hoạt động đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam.

Một vài ngân hàng nước ngoài, trong đó có ANZ, HSBC và Standard Chartered, hy vọng sẽ được tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ nội địa trong năm 2008, khi các hạn chế về số lượng chi nhánh ngân hàng nước ngoài được dỡ bỏ và họ có thể mở thêm các địa điểm mới cũng như tham gia huy động tiền gửi. Bên cạnh đó, các ngân hàng nước ngoài cũng chờ đợi được phép tham gia đấu giá các cổ phiếu chiến lược với tỷ lệ tối đa là 15% trong các ngân hàng lớn do Nhà nước sở hữu khi các đơn vị này cổ phần hóa.

Có thể nói, các ngân hàng nước ngoài muốn tham gia sâu hơn vào “cuộc chơi” ở Việt Nam vì tin rằng họ có nhiều lợi thế trong việc cung cấp dịch vụ mà ngân hàng trong nước tỏ ra rất hạn chế. Chẳng hạn Citibank hiện nay làm dịch vụ đầu tư ngân hàng bao gồm dịch vụ ủy thác và quản lý tiền mặt.

Hay Ngân hàng ANZ, từng mở chi nhánh đầu tiên tại Hà Nội từ năm 1993, đã lựa chọn hướng đi khác là cung cấp các dịch vụ ngân hàng thương mại đa dạng từ dịch vụ bán lẻ cho đến dịch vụ đầu tư. Ngân hàng này hiện sở hữu 10% cổ phần của Sacombank và 10% cổ phần của các công ty chứng khoán khác.

Còn đối với Sacombank, ngân hàng cổ phần có dư nợ đứng thứ sáu, sự có mặt của Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) với tư cách là một cổ đông sở hữu 10% vốn, đã mang lại cho họ những kỹ năng quản lý rủi ro.

Trong khi đó Ngân hàng ANZ hy vọng sẽ phát triển từ hai chi nhánh như hiện nay lên khoảng 12 chi nhánh vào cuối năm 2008 nếu hồ sơ xin phép của họ được giải quyết nhanh chóng. Chưa biết điều này có sớm trở thành hiện thực hay không, bởi các ngân hàng nước ngoài đang phàn nàn rằng Việt Nam đang trì hoãn sự phê duyệt cho đến thời điểm quy định cuối cùng trong các cam kết của WTO.

Một số ngân hàng khác như HSBC, chỉ sở hữu 14,5% vốn của Ngân hàng cổ phần Techcombank với giá 71 triệu USD, đã yêu cầu được tăng tỷ lệ sở hữu lên 20%.

Techcombank có lợi nhuận đứng thứ ba trong số các ngân hàng cổ phần, cũng đang tìm kiếm cơ hội mở rộng hoạt động ngân hàng bán lẻ, trong khi vẫn tập trung vào khối các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời tiếp tục thực hiện dự án của mình từ năm 2006 trong lĩnh vực ngân hàng tiêu dùng. Các hoạt động của Techcombank trùng lắp với các hoạt động ngân hàng tiêu dùng của HSBC nhưng không phải là vấn đề đáng lo ngại trong tình hình mỗi ngân hàng có một ưu thế cạnh tranh riêng. Techcombank có kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) vào cuối năm 2008, có tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 70% trong năm 2007 và đang có kế hoạch mở thêm 50 chi nhánh vào năm 2008.

Hoạt động mua lại và sáp nhập (M&A) sẽ là một lĩnh vực phát triển với tốc độ nhanh trong bối cảnh tự do hóa hoạt động ngân hàng theo các cam kết với WTO. Các chuyên gia ngân hàng nước ngoài dự đoán trong vòng từ năm đến bảy năm nữa, ở Việt Nam sẽ chỉ còn một nửa số ngân hàng so với hiện nay. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã dự thảo hoặc sửa đổi bốn điều luật liên quan đến ngân hàng trung ương, các tổ chức tín dụng, hoạt động giám sát ngân hàng và bảo hiểm tiền gửi. Các điều luật này sẽ được đệ trình lên Chính phủ và sau đó là Quốc hội trong năm nay.

Những vụ sáp nhập đương nhiên sẽ khiến một vài ngân hàng không còn tồn tại và không phải ai cũng mong muốn điều này. Một số ngân hàng nhỏ cho rằng vẫn còn cơ hội tìm kiếm lợi nhuận trong điều kiện nền kinh tế đang cần vốn như hiện nay. Tuy vậy họ quên rằng hoạt động ngân hàng ở Việt Nam đang thiếu một thứ vốn trầm trọng hơn, đó là con người biết làm ngân hàng trong tình hình hội nhập. Đây lại là điều các ngân hàng nước ngoài hoàn toàn có thể giải quyết được.

Năm 2007: Khối ngân hàng nước ngoài tiếp tục tăng trưởng tốt

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2007, tổng tài sản của khối chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức tín dụng có vốn đầu tư nước ngoài đạt khoảng 215.000 tỉ đồng, tăng khoảng 8% so với năm 2006. Ước tính, tổng dư nợ của tất cả chi nhánh các ngân hàng nước ngoài tăng hơn 40% so với năm ngoái, đạt mức 85.500 tỉ đồng.

Tuy nhiên, tỷ lệ nợ quá hạn của khối này lại tăng từ 0,38% (vào thời điểm tháng 10/2006) lên 0,99% (tính hết tháng 10-2007). Tổng huy động vốn của chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong 10 tháng đầu năm 2007 ước đạt 145.000 tỉ đồng, tăng xấp xỉ 60% so cùng kỳ. Thu nhập trước thuế cùng thời gian này đạt hơn 2.000 tỉ đồng.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước nhận định hoạt động của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh có mức tăng trưởng ổn định. Chi nhánh các ngân hàng nước ngoài luôn đi tiên phong trong việc phát triển và áp dụng các công nghệ hiện đại, các sản phẩm mới tại thị trường Việt Nam. Nhiều chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã có những chiến lược mở rộng và xây dựng mạng lưới khách hàng khá tốt và đa dạng.

 Tính đến cuối năm 2007, tại Việt Nam đã có 35 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, năm ngân hàng liên doanh, bốn công ty cho thuê tài chính có vốn đầu tư nước ngoài và hai công ty tài chính có 100% vốn nước ngoài.

Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần