Khi quyết định của trọng tài nước ngoài bị từ chối
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tỷ lệ bị từ chối cao bất thường

 Đáng chú ý là vẫn có một số ý kiến (kể cả cán bộ tòa án) cho rằng, theo quy định của pháp luật Việt Nam, tòa án vẫn có quyền xem xét lại nội dung vụ việc khi giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài. Điều này cho thấy, nhận thức của một số cán bộ tòa án chưa thực sự đúng về thẩm quyền của tòa án khi giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài (Báo cáo 20 năm thực hiện Công ước New York do Bộ Tư pháp tổ chức).

Bên cạnh những văn bản pháp luật trong nước điều chỉnh việc công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài như Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Thương mại, Luật Thi hành án dân sự, Luật Trọng tài kinh tế… thì Việt Nam còn là thành viên của Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài. Đây là Công ước đa phương đầu tiên mà Việt Nam tham gia trong lĩnh vực hợp tác về tư pháp. Công ước đã tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức, cá nhân Việt Nam có thể yêu cầu 155 nước thành viên khác của Công ước xem xét công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài có liên quan đến quyền lợi của mình.

Tuy nhiên, theo khảo sát đối với thẩm phán, cán bộ Tòa án thì tỷ lệ công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài thấp (chỉ đạt 31%). Nếu so với các nước là thành viên của công ước thì tỷ lệ không công nhận ở Việt Nam là cao một cách bất thường. Ví dụ, ở Hong Kong từ năm 2000 – 2012, số lượng quyết định trọng tài được công nhận và thi hành là 304, số quyết định bị phản đối thi hành là 43 và số quyết định bị hủy là 6 (chỉ chiếm gần 1,8%). Hay, tại Hà Lan, số yêu cầu công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài bị tòa án Hà Lan từ chối rất hạn chế. Các căn cứ để từ chối được áp dụng rất chặt chẽ, theo hướng tiếp cận là tạo điều kiện thuận lợi cho việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài.

Không chỉ dừng lại ở tỷ lệ công nhận và thi hành thấp, mà thời gian giải quyết yêu cầu; thời gian áp dụng cho tòa án thụ lý và đưa ra quyết định công nhận hay không công nhận quyết định… còn chậm trễ so với quy định của pháp luật. Báo cáo thực tiễn hoạt động công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài tại Việt Nam do Bộ Tư pháp tiến hành cho thấy, mặc dù đã gia nhập Công ước gần 20 năm nhưng quá trình thực hiện Công ước của Việt Nam dường như hoàn toàn tách khỏi xu thế chung của các quốc gia thành viên khác. Việt Nam hầu như không tham gia vào các hoạt động hợp tác, rà soát, đánh giá thực tiễn thực hiện cũng như nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Công ước của Ủy ban về Luật Thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc. Đặc biệt là chưa có cơ chế theo dõi việc giải quyết yêu cầu của tổ chức, cá nhân Việt Nam là bên có quyền yêu cầu công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài tại các nước thành viên Công ước để bảo đảm việc thực hiện quyền lợi của Việt Nam tại các nước khác.

Tác động không mong muốn

Có thể thấy hệ quả của việc không công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài đã và đang có tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Trước hết, việc tòa án không công nhận quyết định của trọng tài nước ngoài với tỷ lệ quá cao mà không có cơ sở thuyết phục có thể gián tiếp khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vi phạm hợp đồng, vi phạm thỏa thuận ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, tổ chức cá nhân của Việt Nam trong hoạt động kinh doanh. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ mất đi niềm tin khi tiến hành kinh doanh tại Việt Nam, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, kinh doanh quốc tế. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bên được thi hành, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến uy tín cũng như niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào hệ thống cơ quan tư pháp Việt Nam và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Kết quả khảo sát của Bộ Tư pháp cho thấy những người tham gia lấy ý kiến (thẩm phán, cán bộ tòa án…) đều nhận thức rõ về vị trí, vai trò và hậu quả pháp lý, ảnh hưởng của việc từ chối công nhận phán quyết của trọng tài nước ngoài. Cụ thể: 47/66 ý kiến cho rằng sẽ làm giảm niềm tin của Chính phủ các nước về môi trường đầu tư tại Việt Nam; 48/66 ý kiến (làm giảm niềm tin của các doanh nghiệp nước ngoài đối với môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam); 47/66 ý kiến (giảm niềm tin của doanh nghiệp đối với việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài); 39/66 ý kiến (gián tiếp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam vi phạm hợp đồng, vi phạm thỏa thuận với các đối tác nước ngoài); 43/66 ý kiến (có thể dẫn đến tình trạng Chính phủ Việt Nam có thể bị kiện theo Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư nước ngoài)…

Phùng Hương
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân