Không còn tuyển dụng tràn lan 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Từ ngày 20.7, người đứng đầu sẽ phải bồi hoàn kinh phí đã sử dụng vượt quá số biên chế công chức được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc sử dụng không đúng quy định về quản lý và sử dụng biên chế công chức… Đây là một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định số 62/2020/NĐ-CP của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức. 

Tuyển dụng công chức là một trong những vấn đề gây bức xúc dư luận thời gian qua. Mặc dù, đã có chủ trương, quy định về việc tinh gọn bộ máy, về không tăng biên chế, nhưng trong quá trình thực hiện, vẫn có địa phương cố tình phớt lờ các quy định để “tự tung tự tác” trong tuyển dụng, sử dụng công chức biên chế trái quy định.

Dư luận đã rất nóng về trường hợp xảy ra ở Hải Dương, khi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội của tỉnh này có 46 người thì 44 người làm lãnh đạo từ cấp phó trưởng phòng trở lên. Trong một sở mà số lượng cán bộ lãnh đạo nhiều hơn nhân viên, đó là điều bất thường. Và điều này cho thấy, vấn đề tuyển dụng cán bộ, công chức của tỉnh này ở thời điểm đó “rất có vấn đề”.

Thực tế, tuyển dụng công chức, bổ nhiệm lãnh đạo thiếu chuẩn, tràn lan không chỉ là câu chuyện của riêng Hải Dương. Không ít địa phương cũng đã xảy ra tình trạng tuyển dụng, sử dụng biên chế viên chức không đúng quy định, bổ nhiệm cán bộ thiếu chuẩn. Thực trạng này cũng đã được Quốc hội chỉ rõ trong Nghị quyết 56 về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đó là quản lý biên chế tại nhiều bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm; cơ cấu công chức chưa hợp lý, số lượng cấp phó ở một số đơn vị vượt quy định, còn mất cân đối về tỷ lệ giữa người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý, giữ hàm cấp với công chức tham mưu, giúp việc.

Điều đáng nói là, dường như tuyển dụng biên chế “rất có vấn đề” ở một số địa phương, bộ ngành thường xuất hiện cuối nhiệm kỳ, như là một sự ban phát, “chuyến tàu vét” cuối cùng của một số lãnh đạo suy thoái nào đó trước khi “hạ cánh”.

Việc tuyển dụng biên chế công chức tràn lan không chỉ là cách “vơ bèo vạt tép” làm giảm chất lượng cán bộ, công chức mà ngân sách nhà nước còn phải oằn lưng cõng một đội ngũ công chức không xứng tầm.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao biết không đúng quy định, thiếu chuẩn nhưng người đứng đầu vẫn cố tình hạ bút ký quyết định tuyển dụng công chức? Đó có phải là sự lạm quyền trong công tác cán bộ hay không? Có phải vì lợi ích cá nhân của người đặt bút ký không?

Nhiều ý kiến cho rằng, để xảy ra tình trạng tuyển dụng biên chế ồ ạt, vượt quá quy định là do khâu thanh tra, kiểm tra trong công tác cán bộ của chúng ta còn buông lỏng. Cùng với đó, là cơ chế xử lý trách nhiệm của người làm sai, ký tuyển dụng biên chế ồ ạt vẫn còn là khoảng trống. Lợi dụng khoảng trống xử lý trách nhiệm này, không ít người biết sai nhưng vẫn nhắm mắt ký liều chỉ vì lợi ích cá nhân sau mỗi quyết định tuyển dụng.

Để lấp khoảng trống này, Nghị định 62 đã quy định rõ cơ chế xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm trong tuyển dụng. Theo đó, người đứng đầu bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức thực hiện không đúng quy định về vị trí việc làm và biên chế công chức sẽ bị xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật và đưa vào xem xét phân loại, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm.

Cùng với đó, Nghị định cũng quy định, người đứng đầu phải bồi hoàn số kinh phí đã sử dụng vượt quá số biên chế công chức được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc sử dụng không đúng quy định về quản lý và sử dụng biên chế công chức.

Với những chế tài đủ mạnh này, tin rằng, tình trạng tuyển dụng biên chế công chức tràn lan, hay những quyết định tuyển dụng bởi “hoàng hôn nhiệm kỳ” sẽ hoàn toàn chấm dứt.