Không để “việc lọt qua tay” 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Cơ quan điều tra Công an TP. Hà Nội vừa kết thúc điều tra vụ án “lừa dối khách hàng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại dự án CT6 Kiến Hưng, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội. Ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh bị đề nghị truy tố về tội lừa dối khách hàng do có sai phạm liên quan dự án này.

Kết quả điều tra cho thấy, tại dự án CT6 Kiến Hưng, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh Lê Thanh Thản đã bán 520 căn hộ được xây dựng vượt quy hoạch, không được cấp sổ đỏ, thu lời bất chính hơn 534 tỷ đồng, gây thiệt hại cho người mua nhà hơn 56 tỷ đồng.

Có một điều khó hiểu, việc xây dựng vượt quy hoạch và bán nhà tại chung cư CT6 Kiến Hưng diễn ra rầm rộ trong thời gian dài nhưng chính quyền sở tại lại “không hề hay biết”. Cơ quan điều tra cho rằng, để xảy ra vi phạm tại dự án CT6 Kiến Hưng trách nhiệm trực tiếp thuộc về UBND phường Kiến Hưng, trật tự xây dựng quận Hà Đông và UBND quận Hà Đông. Cũng theo cơ quan điều tra, ông Lê Cường, nguyên Bí thư Quận ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông, phụ trách quản lý đô thị và ông Phạm Khắc Tuấn, nguyên Chủ tịch UBND quận Hà Đông, trong quá trình chỉ đạo điều hành, ông Cường và ông Tuấn có nhiều văn bản chỉ đạo trật tự xây dựng quận Hà Đông và UBND các phường thuộc quận Hà Đông tổ chức kiểm tra, phát hiện vi phạm trật tự xây dựng tại tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn quận Hà Đông nhưng không có công trình dự án CT6 Kiến Hưng.

Rất khó để lý giải một công trình cao tầng sai phép mọc lên giữa một quận ở Thủ đô mà chính quyền sở tại không biết. Vì sao lãnh đạo quận lại có thể dễ dàng “bỏ quên” một công trình cao tầng để kiểm tra, phát hiện vi phạm trật tự xây dựng? Có hay không làm ngơ cho sai phạm trong trường hợp này?

Nhiều ý kiến cho rằng, sự buông lỏng quản lý của chính quyền sở tại đã tiếp tay cho các sai phạm trong trật tự xây dựng. Lực lượng chức năng chỉ vào cuộc khi “sự đã rồi” là quá muộn bởi khắc phục hậu quả cho những sai phạm này không phải là điều dễ dàng. Sai phạm của chủ đầu tư, sự buông lỏng quản lý, tiếp tay cho sai phạm của chính quyền, lực lượng chức năng đã đẩy người dân, những người mua nhà vào tình trạng “sống dở, chết dở” bởi tiền đã trao nhưng “sổ hồng” lại không được nhận.

Luật Xây dựng quy định rất rõ, trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Quy định là vậy, song thực tế một số địa phương, những công trình không phép, công trình sai phép vẫn “vô tư” mọc lên. Vụ việc lùm xùm ở tòa nhà 8B, Lê Trực, Ba Đình, Hà Nội là một ví dụ. Do thiếu kiểm tra, giám sát quá trình thi công, chủ đầu tư đã cố tình vượt tầng trái quy định. Phải mất đến vài năm trời, công trình mới được xử lý để khắc phục hậu quả.

Chỉ cần một chút buông lỏng quản lý, có sự bắt tay của lãnh đạo địa phương với chủ đầu tư, có sự “xuê xoa” cho các công trình sai phạm thì việc khắc phục hậu quả vô cùng khó khăn. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do cơ chế “phạt cho tồn tại” đã được áp dụng trong một thời gian dài. Trong nhiều trường hợp, chủ đầu tư sẵn sàng nộp phạt, bởi số tiền nộp phạt so với lợi ích thu được từ việc vi phạm mang lại chưa thấm tháp vào đâu!

“Phạt cho tồn tại” trở thành vấn đề gây bức xúc, theo đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai), những sự việc này tưởng như rất đơn giản nhưng thể hiện sự tích tụ của cả một quá trình hủy hoại luật pháp, hủy hoại bộ máy công quyền. Và khi còn ở vị trí là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã thừa nhận, dù Chính phủ và chính quyền nhiều địa phương đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nghiêm cấm việc “phạt cho tồn tại” nhưng vẫn chưa triệt để, nhất là trong lĩnh vực xây dựng đô thị. Tình trạng này có cả nguyên nhân khách quan nhưng chủ yếu vẫn do nguyên nhân chủ quan, trong đó không loại trừ liên quan đến hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức.

Để cho sai phạm xảy ra trong trường hợp này trách nhiệm của chính quyền đến đâu, của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền đến đâu sẽ tiếp tục được cơ quan điều tra làm rõ và có chế tài xử lý nghiêm minh. Tránh tình trạng như đại biểu Dương Trung Quốc nói: Có những việc không lọt được qua mắt, nhưng lại lọt được qua tay.