Không khó sử dụng công nghệ phòng vệ thương mại
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bài học xương máu

Cục Quản lý cạnh tranh vừa tổ chức hội thảo về sử dụng và xử lý hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất và xuất khẩu bền vững. Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Tòng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Da – Giày Việt Nam nhắc lại vụ việc ngành mình đã trải qua: bắt đầu từ ngày 7/7/2005 Uỷ ban Châu Âu (EC) đã chính thức thông báo mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm giày có mũ từ da (33 mã giầy có mũ từ da) của Việt Nam; từ ngày 6/10/2006: EC công bố chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá các loại giầy mũ da xuất xứ Việt Nam, mức thuế 10%.

Cho tới ngày 1/4/2011, Liên minh Châu Âu (EU) mới dỡ bỏ thuế này đối với Việt Nam. Thiệt hại “kép” ngành phải gánh chịu đó là: đơn hàng và sản lượng sụt giảm, một số DN thậm chí phải đóng cửa, chuyển nghề. Đặc biệt ở giai đoạn đầu sau khi EC khởi kiện điều tra (vào cuối năm 2005), tuy chỉ áp thuế đối với các mặt hàng giầy có mũ từ da, song trên thực tế, cùng một thời điểm, các khách hàng đặt rất nhiều loại sản phẩm khác nhau, khi di dời họ chuyển tất cả các đơn hàng (không chỉ giầy da), do đó các DN phải chịu sức ép rất lớn. Dẫn đến, thu nhập doanh nghiệp bị “tụt dốc”. Đồng thời, vụ kiện ảnh hưởng tới việc làm, cuộc sống của người lao động.

Sau kinh nghiệm xương máu này, bài học rút ra – theo Bà Tòng – là phải liên tục nắm bắt, cập nhật nhanh chóng các quy định mới trong thương mại toàn cầu; chuẩn bị hồ sơ khai báo hải quan theo đúng quy định, rà soát kỹ đối với từng mặt hàng; các DN cần phối hợp chặt chẽ với các đối tác, có phương án duy trì, phòng ngừa tránh rơi vào tình trạng phá giá như vừa qua (đối với các DN gia công); có phương án chuyển đổi sản xuất với các mặt hàng đa dạng, mở rộng thị trường mới (hạn chế sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống).

Đồng thời, Hiệp hội Da – Giày Việt Nam kiến nghị Chính phủ sớm thúc đẩy tiếp tục cải cách hành chính và đàm phán để Việt Nam được công nhận hoạt động trong nền kinh tế thị trường, tạo điều kiện để các DN, các ngành hàng phát triển thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng trên thương trường quốc tế (không chỉ tại thị trường các nước EU); nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, đảm bảo để các ngành hàng có các dữ liệu cần thiết khi giải quyết các vụ kiện hoặc các vụ tranh chấp thương mại; thúc đẩy đàm phán các hiệp định mở cửa thị trường, hạn chế chính sách bảo hộ tạo điều kiện để các DN phát triển xuất khẩu.

Giành thế chủ động trong “cuộc chiến”

Ông Vũ Bá Phú – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) khuyến cáo, khi bất cứ ngành nào bị kiện chống bán phá giá thì đòi hỏi phải có sự vào cuộc, hợp tác chặt chẽ từ cơ quan chức năng như VCCI, Cục Quản lý cạnh tranh… và cần dựa vào các hiệp hội trong việc bảo vệ  quyền và lợi ích hợp pháp của DN. Ngay từ đầu vụ việc DN phải tự tìm cho mình luật sư giỏi, nhưng quan trọng hơn hết là để tránh khiếu kiện, DN cần minh bạch hoá sổ sách, chứng từ kế toán theo chuẩn mực quốc tế, giấy tờ khai báo hải quan đầy đủ, rõ ràng. Theo ông Phú, trong thương mại toàn cầu, các DN cần trang bị và sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại như: chống bán phá, chống trợ cấp… để tránh thua thiệt… “Cần giành thế chủ động trong “cuộc chiến” này. Việc sử dụng các công cụ này không khó, đặc biệt là biện pháp tự vệ” – ông Phú nói.

Ông Claudio Dordi – Trưởng nhóm chuyên gia tư vấn dự án EU – Việt Nam Mutrap III cho hay, nguyên nhân các công ty giày da Vịêt Nam bị đánh thuế chống bán phá giá là do không được công nhận hoạt động theo cơ chế thị trường.  Vì vậy, ông Caudio Dordi cho rằng, các DN nên có đơn yêu cầu EU công nhận, như trường hợp một công ty sản xuất ốc vít  thép không gỉ ở miền Nam đã từng làm. Theo đó, DN phải chứng minh hoạt động theo cơ chế thị trường, thoả mãn các tiêu chí sau: quyết định kinh doanh và chi phí dựa trên điều kiện thị trường, không có sự can thiệp của Nhà nước; các DN có hệ thống ghi chép kế toán phù hợp với Chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS)…

Mai Hoa.
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam