Không TPP: Cơ hội cải cách mạnh hơn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Vốn được cho là một trong những quốc gia sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nên giả định không có TPP cũng sẽ tác động không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lại cho rằng nếu không thực sự mong muốn cải cách, không có động lực cải cách từ bên trong, thì áp lực từ bên ngoài sẽ không bao giờ đủ.

“Điều tôi quan tâm hơn từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có TPP, bản chất chung là thúc đẩy tự do kinh doanh hơn, thuận lợi kinh doanh hơn, bảo vệ tốt hơn tài sản, quyền và lợi ích của các nhà đầu tư, cạnh tranh bình đẳng, đối xử bình đẳng…”, ông Cung nói với báo Đầu tư.

Bởi vậy, nếu không có TPP, thì để hội nhập, thực hiện các cam kết với các FTA khác, nền kinh tế Việt Nam buộc phải tiến cùng thời đại, thúc đẩy cải cách mạnh mẽ theo hướng kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, cạnh tranh công bằng hơn.

“Có như vậy, nền kinh tế nước ta mới hội nhập thực sự, chứ không phải bị cuốn theo xu thế hội nhập. Có như vậy, các cơ hội từ các FTA mới được tận dụng, không bị chuyển thành thách thức… Với góc nhìn này, trong một khía cạnh nào đó, không TPP có thể sẽ có tác động tích cực với cải cách kinh tế Việt”, TS Nguyễn Đình Cung trao đổi.

Cụ thể hơn, theo phân tích của ông Cung, các FTA đã không tạo ra đủ áp lực cải cách trong nước như kỳ vọng, thậm chí đôi lúc có những tác động ngược.

Vì khi chúng ta tham gia các thị trường, kết nối với các thị trường lớn nhất thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản…, các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng chuyển dịch các cơ sở sản xuất đến Việt Nam để lắp ráp, gia công, tận dụng các lợi thế về xuất xứ, chi phí. Sự chuyển dịch này sẽ tạo ra những con số tăng trưởng trong GDP, trong kim ngạch xuất khẩu… bất kể kết quả của cuộc cải cách trong nước đang đi đến đâu.

“Mặc dù nhiều cơ hội được chỉ ra khi Việt Nam gia nhập WTO, nhưng hình như chỉ các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tận dụng được cơ hội. Dù vậy, nền kinh tế vẫn tăng trưởng khiến áp lực cải cách, để tìm ra những động lực tăng trưởng mới không phải lúc nào cũng mạnh mẽ”, ông Cung phân tích.

Khi TPP có thể không trở thành hiện thực sẽ tác động đến các kế hoạch đầu tư, chuyển dịch đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài, cả các doanh nghiệp trong nước. Rất có thể các kế hoạch đón đầu TPP trước đó sẽ phải cân chỉnh lại, tác động không nhỏ tới tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, tác động tích cực của động thái này là nền kinh tế Việt Nam sẽ có cơ hội để nhìn lại thực chất năng lực của mình, xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu và động lực thực sự của tăng trưởng kinh tế, để xác định rõ áp lực phải cải cách, thay đổi là từ bên trong, nội tại nền kinh tế.

Theo ông Cung, tốt nhất là hội nhập và cải cách cùng song hành. Nhưng, trong bối cảnh đà hội nhập đang tạm chậm lại, thì càng phải đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, mở rộng cơ hội và quyền kinh doanh cho người dân.

Thanh Hằng
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ