“Khoan thư sức dân” 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Những ngày gần đây, trong khi người dân, doanh nghiệp đang phải đối diện với những khó khăn trước mắt do Covid-19 mang lại, thì việc Chính phủ liên tiếp ban hành văn bản và chỉ đạo về giảm tiền điện, giảm giá điện; giảm giá, tiền sử dụng nước sinh hoạt và giảm giá cước viễn thông thực sự là những chính sách “khoan thư sức dân” rất có ý nghĩa vào lúc này.

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Nhiều địa phương trên cả nước đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, việc Chính phủ kịp thời ban hành Nghị quyết về phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 4) cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được Nhân dân rất đồng tình ủng hộ. Bởi không ít gia đình đang phải tính toán từng đồng chi tiêu, vất vả với cuộc sống mưu sinh mùa dịch.

Với đợt giảm giá điện lần thứ 4 này, tổng số tiền giảm ước tính khoảng 2.500 tỷ đồng. Theo đó, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố tại thời điểm ngày 30.7.2021 đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Cụ thể, giảm 15% tiền điện (trước thuế VAT) trên hóa đơn tiền điện cho các khách hàng sử dụng đến 200kWh/tháng; giảm 10% tiền điện (trước thuế VAT) trên hoá đơn tiền điện cho các khách hàng sử dụng trên 200kWh/tháng. Thời gian hỗ trợ giảm tiền điện là 2 tháng tại các kỳ hóa đơn tháng 8 và tháng 9.2021.

Ngoài ra, giảm 100% tiền điện cho các cơ sở cách ly y tế tập trung phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 có thu một phần chi phí của người cách ly đáp ứng các điều kiện: Doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác đang được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn làm nơi cách ly y tế tập trung phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 không thu chi phí hoặc có thu một số khoản chi phí của người phải cách ly. Thời gian hỗ trợ giảm tiền điện 7 tháng, kể từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6.2021 đến kỳ hóa đơn tiền điện tháng 12.2021.

Cùng với việc Chính phủ ban hành nghị quyết về giảm tiền điện, giảm giá điện, để hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biễn phức tạp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền và quy định pháp luật, khẩn trương xem xét, thực hiện điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt, tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt hỗ trợ cho người dân và các đối tượng sử dụng nước sạch sinh hoạt bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhất là tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Không chỉ có điện, nước, mà giá cước viễn thông cũng nằm trong danh sách được Chính phủ yêu cầu giảm giá đợt này. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông sớm xem xét và quyết định việc điều chỉnh giảm giá cước viễn thông để hỗ trợ cho các khách hàng đang sử dụng dịch vụ, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, kéo dài như hiện nay. Thực hiện chủ trương này, các doanh nghiệp viễn thông gồm Viettel, VNPT, MobiFone, CMC, FPT, Vietnamobile và SCTV đã công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ này sẽ được triển khai từ ngày 5.8.2021 và kéo dài trong 3 tháng. Đây là những chính sách rất thiết thực, góp phần giải quyết một phần khó khăn cho người dân trước đại dịch.

Ở thời điểm này, hầu hết các đối tượng đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong đó có doanh nghiệp cung ứng điện, nước, dịch vụ viễn thông. Tuy vậy, thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, yêu cầu của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, để hỗ trợ kịp thời những đối tượng bị tác động bởi dịch bệnh, các doanh nghiệp đã đồng lòng sẵn sàng chia sẻ để góp phần giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Có thể, số tiền mà người dân được giảm không nhiều, nhưng chính sách hỗ trợ của Chính phủ, sự sẻ chia của doanh nghiệp đối với người dân lúc này thật đáng quý.

Để ứng phó kịp thời có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình Covid-19, sớm đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”, trong Nghị quyết Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV nêu rõ, Quốc hội giao Chính phủ bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục có biện pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động.

Mỗi chính sách hỗ trợ lúc này đều có ý nghĩa rất lớn, “khoan thư sức dân” thể hiện quyết tâm “không bỏ ai ở lại phía sau”. Sự sẻ chia, đồng hành của Chính phủ, Quốc hội, của doanh nghiệp sẽ tạo thêm niềm tin trong Nhân dân, tạo nên sức mạnh cộng đồng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.