Khởi đầu tốt đẹp cho cả nhiệm kỳ 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự đề ra, ban hành 29 nghị quyết, trong đó có 17 nghị quyết về tổ chức bộ máy và nhân sự; 11 nghị quyết chuyên đề về các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 và Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ Nhất. Do tình hình dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp, Văn phòng Quốc hội không tổ chức họp báo công bố kết quả Kỳ họp như thông lệ. Thông cáo báo chí về kết quả Kỳ họp nêu rõ: Thành công của Kỳ họp thứ Nhất chính là khởi đầu tốt đẹp cho cả nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

Phát huy cao độ dân chủ, đoàn kết, pháp quyền, liêm chính

Tại phiên khai mạc Kỳ họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, gợi mở, nhấn mạnh những định hướng lớn, quan trọng để Quốc hội Khóa XV tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, trong phát biểu ngay sau lễ tuyên thệ nhậm chức, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu rõ những định hướng, trọng tâm hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ Khóa XV để tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp 75 năm Quốc hội Việt Nam, vì mục tiêu tối thượng là phụng sự lợi ích của Quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội sẽ phát huy cao độ dân chủ, đoàn kết, pháp quyền, liêm chính, công khai, minh bạch, tăng tính chuyên nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. 

Quốc hội đã ban hành 29 nghị quyết, trong đó có 17 nghị quyết về tổ chức bộ máy và nhân sự; 11 nghị quyết chuyên đề về các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 gồm: Phát triển kinh tế – xã hội, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công, đầu tư công trung hạn; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; hai chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, chương trình giám sát của Quốc hội, thành lập đoàn giám sát chuyên đề năm 2022 và Nghị quyết Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV. 

Trong đó, công tác nhân sự đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, tiến hành bài bản, bảo đảm dân chủ, đúng chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật và đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao. Quốc hội đã quyết định số lượng thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (gồm Chủ tịch Quốc hội, 4 Phó Chủ tịch Quốc hội, 13 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội); cơ cấu tổ chức của Chính phủ (gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ); cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ (gồm Thủ tướng Chính phủ, 4 Phó Thủ tướng Chính phủ và 22 bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ). Quốc hội đã bầu, phê chuẩn 50 chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước; phê chuẩn 4 Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.

Về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách, Quốc hội ghi nhận các kết quả tích cực đã đạt được trong bối cảnh hết sức khó khăn do tác động của đại dịch Covid – 19; đồng thời, yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương chủ động bám sát tình hình thực tế, tiếp tục tăng cường các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để vừa kiểm soát tốt dịch Covid-19 vừa thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021. 

Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, nhất là sự xuất hiện các biến chủng mới, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, tác động tiêu cực đến đời sống của Nhân dân, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương cần chủ động bám sát tình hình thực tế, tiếp tục tăng cường các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để kiểm soát tốt dịch Covid-19. Thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung cho công tác phòng, chống dịch.

Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch như: Áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan. Ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống dịch. Bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống Nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế và lực lượng tuyến đầu chống dịch; tiếp tục có biện pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch.

Khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện một số luật thuế

Tại Kỳ họp, Quốc hội đã quyết nghị 23 chỉ tiêu và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 – 2025, trong đó, nhấn mạnh yêu cầu tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, căn cứ vào tình hình thực tế và địa bàn cụ thể có sự lựa chọn ưu tiên để vừa bảo đảm sức khỏe, tính mạng của Nhân dân vừa bảo đảm an sinh xã hội.

Đối với kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, Quốc hội đề ra một số giải pháp cơ bản như: Nghiên cứu, sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan phù hợp với thực tiễn, tăng vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương; khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện một số luật thuế, nhất là Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt…; tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng bền vững, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính – ngân sách nhà nước, nợ công, quản lý tài sản công, tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… 

Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án quan trọng quốc gia và mức vốn bố trí cho từng dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, không chia nhỏ dự án đối với số vốn 78.719 tỷ đồng để đầu tư các dự án đường bộ cao tốc, dự án trọng điểm khác. 

Đối với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Quốc hội yêu cầu các cơ quan đề cao trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 2; khẩn trương nghiên cứu để kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào Chương trình sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật, pháp lệnh, nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, khắc phục các vướng mắc, bất cập, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước.

Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, Quốc hội giao Chính phủ trong quá trình điều hành tiếp tục chỉ đạo rà soát, bảo đảm không để trùng lặp, bỏ sót nội dung, đối tượng hỗ trợ; có cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư.

Thành công của Kỳ họp thứ Nhất đã khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo các nội dung trình Quốc hội cũng như các điều kiện bảo đảm và tổ chức kỳ họp theo đúng quy định của pháp luật.