Khởi động sửa Luật thuế Thu nhập cá nhân
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Không giống như việc xây dựng các luật thuế trước đây, thay vì xây dựng dự thảo sau đó mới xin ý kiến đóng góp của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, lần này Bộ Tài chính mời tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cho ý kiến, đánh giá, nhận định về những bất cập, bất hợp lý của Luật thuế TNCN và Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (sẽ trình Chính phủ vào năm 2013) và đề xuất những giải pháp tháo gỡ. Trên cơ sở này, chúng tôi sẽ xây dựng dự thảo và tiếp tục tổ chức lấy ý kiến đóng góp để bảo đảm Luật thuế TNCN phù hợp với thực tế cuộc sống và hoạt động sản xuất – kinh doanh”, ông Phụng cho biết.

Theo bà Đỗ Thị Thìn, Phó chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, so với các nước trong khu vực, biểu thuế suất luỹ tiến từng phần của Việt Nam với mức thuế suất thấp nhất là 5% và cao nhất là 35% không hề cao. Tuy nhiên, độ giãn cách giữa các mức thuế của Việt Nam quá ngắn dẫn đến mức độ “điều tiết” thu nhập của cá nhân tăng nhanh. Ví dụ, cá nhân có thu nhập 100 triệu đồng/tháng thì mỗi tháng họ phải nộp 23,8 triệu đồng, tương đương với mức 23,8% tổng thu nhập nhưng cá nhân khác có thu nhập 160 triệu đồng/tháng phải nộp tới 44,8 triệu đồng tiền thuế, tương đương 28% thu nhập – cao hơn cả thuế suất thuế TNDN phổ thông là 25%.

“Tại Trung Quốc, thu nhập phải chịu mức thuế suất thuế TNCN cao nhất gấp 200 lần thu nhập phải chịu mức thuế suất thấp nhất, còn tại Malaysia khoảng cách này là 100 lần, Thái Lan là 50 lần, trong khi đó, thu nhập chịu thuế suất cao nhất chỉ gấp có 16 lần thu nhập chịu thuế suất thấp nhất (960 triệu đồng/năm so với 60 triệu đồng/năm) đã khiến thuế TNCN của Việt Nam kém hấp dẫn hơn”, bà Thìn phân tích và đề xuất tăng độ giãn cách giữa các bậc thuế lên 25-30 lần và nghiên cứu lại cách xác định người phụ thuộc để tính giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế.

Theo quy định hiện hành, người mà cá nhân có trách nhiệm nuôi dưỡng có thu nhập không vượt quá 500.000 đồng/tháng, 6 triệu đồng/năm mới được coi là người phụ thuộc. “Trong bối cảnh giá cả hàng hoá, dịch vụ thiết yếu hiện nay đã tăng hơn rất nhiều so với thời điểm xây dựng Luật thuế TNCN (năm 2007) thì mức thu nhập để xác định người phụ thuộc đã trở lên rất lạc hậu, không phù hợp với thực tiễn cuộc sống”, bà Thìn phát biểu.

Đồng tình với cách xác định cá nhân có thu nhập dưới 500.000 đồng/tháng được coi là người phụ thuộc của người nộp thuế là không phù hợp, TS. Lý Phương Duyên (Học viện Tài chính) còn cho rằng, quy định về người phụ thuộc không rõ ràng, đối tượng giảm trừ gia cảnh dàn trải đã dẫn tình trạng gian lận thuế và tạo ra sự mất công bằng trong xã hội.

Theo bà Duyên, quy định con của người nộp thuế trên 18 tuổi, đang đi học, có thu nhập dưới 500.000 đồng/tháng được coi là người phụ thuộc và người nộp thuế được giảm trừ gia cảnh với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng là hợp lý. Nhưng cuộc sống rất phức tạp và phong phú, vì vậy cần phải quy định chặt chẽ hơn để tránh lợi dụng và mất công bằng trong việc thu thuế TNCN

Theo quy định hiện hành thì con của người nộp thuế trên 18 tuổi, đang đi học, có thu nhập dưới 500.000 đồng/tháng, kể cả họ đã lập gia đình cũng được tính là người phụ thuộc. Con cái của họ, tức là cháu nội/cháu ngoại của người nộp thuế cũng được tính là người phụ thuộc của người nộp thuế.

“Cá nhân lập gia đình thì họ phải có ý thức mình là một tế bào của xã hội, có trách nhiệm với xã hội chứ không thể “ăn bám” xã hội”, bà Duyên bức xúc và đề xuất cá nhân trên 18 tuổi dù còn đi học hay không, có thu nhập hay không nếu không tàn tật mà đã lập gia đình thì dứt khoát không thể coi là người phụ thuộc, con cái của họ cũng không thể coi là người phụ thuộc đối tượng nộp thuế. “Phải quy định chặt chẽ như vậy mới tránh được tình trạng gian lận thuế TNCN”, bà Duyên nói.

Cũng lo ngại tình trạng gian lận thuế TNCN, bà Nguyễn Thị Giang (Trưởng phòng Kế toán Tổng công ty Hàng không Việt Nam – VNA) đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu để có thể đánh được thuế đối với cá nhân nước ngoài làm việc cho các tập đoàn, tổng công ty nhưng không ký kết hợp đồng trực tiếp với tập đoàn, tổng công ty

“VNA phải thuê người lao động nước ngoài thực hiện một số công việc mà người Việt Nam không thể đảm nhận được, nhưng VNA không ký hợp đồng trực tiếp với người lao động mà ký với công ty cung cấp nhân sự ở nước ngoài và trả tiền cho công ty cung cấp nhân sự nên không thể biết được người nước ngoài thực tế họ có thu nhập bao nhiêu để thực hiện khấu trừ thuế TNCN của họ và đóng vào ngân sách nhà nước”, bà Giang cho biết.

Nguồn: Báo Đầu tư điện tử