Khơi thông vốn đầu tư công 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Bộ Giao thông Vận tải vừa công bố kết quả giải ngân vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, năm 2016, Bộ giải ngân đạt 84,6%, khoảng 33.302/39.383 tỷ đồng, năm 2017 đạt 82,7%, khoảng 36.702/44.403 tỷ đồng. Riêng năm 2020, tỷ lệ giải ngân của Bộ này cao nhất trong kỳ trung hạn, đạt 95% khoảng 37.834 tỷ đồng. Không chỉ Bộ Giao thông Vận tải, mà nhiều bộ, địa phương cũng đã tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong năm qua. Tín hiệu đáng mừng này cho thấy, sau hàng loạt chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ, nguồn vốn đầu tư công đã được khơi thông.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công được nhắc nhiều thời gian qua, khiến chúng ta có tiền mà không tiêu được. Đầu tư công là cứu cánh để chúng ta vượt qua khó khăn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy tăng trưởng. Do đó, chậm giải ngân vốn đầu tư công cũng đồng nghĩa với việc đang có lực cản rất lớn đối với phát triển kinh tế – xã hội.

Không chỉ ở hội thảo, hội nghị, trên diễn đàn Quốc hội, tình trạng này cũng đã từng được nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng. Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng, đầu tư công là vấn đề “biết rồi, nói mãi” vì năm nào cũng được đề cập trong báo cáo của Chính phủ ở phần hạn chế, yếu kém. Do công khai, minh bạch, do kết quả chống tham nhũng thời gian qua đạt tốt, làm mất “động lực” của các chủ đầu tư? Do chưa thỏa thuận được tỷ lệ ăn chia, hay còn lý do nào khác? Điều này cần làm rõ, không nên để dư luận không hay, không tốt trong đầu tư công, đại biểu đề nghị.  

Tại Kỳ họp thứ Mười vừa qua, vấn đề này một lần nữa được đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nêu ra ở phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đại biểu cho rằng, cử tri vẫn còn lo lắng về nhiều dự án đầu tư công, trong đó có những dự án rất lớn, tiến độ triển khai rất chậm, chất lượng thấp, gây lãng phí nguồn lực quốc gia, chưa tạo ra các giá trị thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Cử tri cho rằng có nhiều yếu tố lỗi trong hệ thống của cơ chế giải ngân vốn đầu tư công. “Thủ tướng cho biết sẽ có những giải pháp nào hữu hiệu, thực chất hơn, là liều thuốc “đặc trị” để giải quyết căn bệnh này, đừng để trở thành bệnh “mãn tính” – đại biểu Nguyễn Tạo chất vấn. Trả lời nội dung chất vấn này bằng văn bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Chính phủ đã xác định rất rõ, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, việc làm; kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, của nước ngoài, ảnh hưởng tới huy động vốn xã hội, đồng thời ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ.

Để khắc phục tồn tại này, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hành động quyết liệt, đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, thực hiện nghiêm việc đánh giá cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; xử lý nghiêm minh các trường hợp cố tình làm chậm, gây khó khăn, nhũng nhiễu, vi phạm quy định, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí về đầu tư công. Thủ tướng cũng nêu rõ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải coi việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, kết quả giải ngân là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ. Nếu chậm giải ngân thì sẽ điều chuyển vốn sang cơ quan, đơn vị khác.

Với việc đưa ra các giải pháp hữu hiệu, kết quả giải ngân vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 91,1% kế hoạch năm 2020, tăng 34,5% so với năm 2019, đây là mức đạt cao nhất trong giai đoạn 2011 – 2020. Đây là kết quả đáng mừng.

Chỉ khi chế tài trách nhiệm cụ thể được xác định rõ đối với từng cá nhân thì ách tắc về giải ngân vốn đầu tư công mới được khơi thông. Đó cũng là cách để tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công không còn là bệnh mãn tính.