Không có ngoại lệ được giãn thời hạn mua tín phiếu
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo ông Hạnh, việc ngân hàng trung ương bắt buộc các ngân hàng thương mại phải mua tín phiếu bắt buộc được xem là một trong gói giải pháp kiềm chế tình trạng lạm phát của nền kinh tế hiện nay. Do đó nếu du di hoãn thời hạn cho nhà băng này thì không công bằng đối với ngân hàng khác.

Hôm 7/3, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến lại hé lộ việc có thể xem xét lùi thời hạn mua tín phiếu cho ngân hàng thương mại nào có khó khăn về vốn.

Hồi giữa tháng 2, Ngân hàng Nhà nước đã ra thông báo phát hành tín phiếu bắt buộc với tổng giá trị 20.300 tỷ đồng với lãi suất 7,8% mỗi năm theo hình thức ghi sổ. 41 ngân hàng thương mại bắt buộc phải mua tín phiếu, với giá trị bằng 10% vốn điều lệ. 

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc phát hành tín phiếu lần này nhằm mục tiêu rút bớt tiền từ lưu thông, chủ động kiểm soát chặt chẽ tiền tệ ngay từ đầu năm để hạn chế lạm phát.

Các ngân hàng lớn cho biết đã có sự chuẩn bị nguồn vốn để mua tín phiếu bắt buộc từ cả tháng trước, song đều thừa nhận việc dồn tiền mua tín phiếu khiến nhà băng khó khăn trong bối cảnh thiếu tiền đồng.

Bà Trần Thị Việt Ánh, Tổng Giám đốc Sài Gòn Công thương ngân hàng cho biết, nhà băng đã chuẩn bị đủ số tiền 250 tỷ đồng để mua tín phiếu bắt buộc. Song việc huy động nguồn vốn cũng gặp không ít khó khăn, vì còn phải dành tiền cho các doanh nghiệp vay vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Vietcombank cũng đã chuẩn bị đủ số tiền 3.000 tỷ đồng mua tín phiếu. Điều này cũng có nghĩa khách hàng của Ngân hàng ngoại thương sẽ bị hụt khoản tín dụng tương đương.

Giám đốc Vietcombank Nguyễn Phước Thanh cho biết, hiện nay nhiều ngân hàng hạn chế việc cho vay do ảnh hưởng từ chính sách nhà nước như xiết chặt tín dụng, khống chế dư nợ… Điều này gây một số khó khăn cho doanh nghiệp và cho chính nhà băng.

Ông Thanh ví von rằng “tình thế đã đảo ngược”. Trước đây ngân hàng cần doanh nghiệp, nhưng giờ các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ vốn từ các nhà băng. Do vậy, Vietcombank rất cẩn trọng trong việc xem xét, lựa chọn cho các doanh nghiệp vay vốn.

Trong đợt này, Ngân hàng Nam Á phải trích 10% trên vốn điều lệ 1.151 tỷ đồng cho tín phiếu bắt buộc. Đại diện Nam Á cho rằng, giải pháp hút bớt tiền trong lưu thông nhằm khắc phục lạm phát cũng có những ảnh hưởng nhất định đến doanh thu của ngân hàng. Lợi nhuận từ hoạt động cho vay tất nhiên cao hơn so với mua tín phiếu.

Theo quan điểm của một số chuyên gia kinh tế, chủ trương phát hành tín phiếu bắt buộc vẫn không thể giải quyết được tình trạng lạm phát, mà còn gây tác động xấu dây chuyền.

Để có thể huy động đủ số tiền cần thiết mua tín phiếu, các nhà băng đã tung ra nhiều “chiêu” khác nhau nhằm hút về lượng tiền cần thiết, và tăng lãi suất tiền gửi là “chiêu” chủ yếu.

Việc tăng lãi suất đầu vào ở các nhà băng kéo theo hệ quả dây chuyền là phải tăng lãi suất đầu ra. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới giá hàng hóa.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định: “Khi gánh nặng lãi vay đè lên vai các doanh nghiệp, không còn cách nào khác, sản phẩm của nhà sản xuất đó phải nâng giá bán để bù phát sinh”.

Sau một vòng luân chuyển, biện pháp thu hồi tiền mặt đang lưu thông dẫn đến hiện tượng tăng giá của doanh nghiệp ở thời điểm trễ hơn, chứ không làm triệt tiêu khả năng tăng giá. Theo ông Doanh “tín dụng bắt buộc là biện pháp tình thế bất đắc dĩ, chưa hoàn hảo trong kiềm chế lạm phát”.

Nguồn: Báo điện tử VnExpress