Không thể cứ đòi bảo toàn vốn ở các dự án thua lỗ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong tháng 4/2021, các nguyên tắc xử lý dự án thua lỗ, kém hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước sẽ được trình Chính phủ.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ tài chính) cho biết, trong tháng 4/2021, các nguyên tắc xử lý dự án thua lỗ, kém hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước sẽ được trình Chính phủ, làm cơ sở để doanh nghiệp yên tâm thực hiện, không đùn đẩy trách nhiệm. 

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính)

Được biết, Dự thảo Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025 đang được Bộ Tài chính hoàn tất, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 4/2021. Có điểm gì mới so với những đề án trước, thưa ông?

Công việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn này sẽ tiếp tục thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, thoái vốn trong danh mục của giai đoạn 2016-2020, nhưng chưa xong, chiếm tới 70% kế hoạch đã duyệt. Sẽ có doanh nghiệp bổ sung, song không nhiều.

Các doanh nghiệp mà Nhà nước tiếp tục nắm giữ 100% sẽ vẫn tập trung chủ yếu trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, an ninh ngành, lĩnh vực công ích.

Yêu cầu của Đề án giai đoạn 2021-2025 là cơ bản hoàn tất yêu cầu tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả. Sau giai đoạn này, các hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa sẽ là những giải pháp để Nhà nước cơ cấu lại danh mục đầu tư của vốn nhà nước, giống các phương thức quen thuộc như mua bán, sáp nhập.

Khu vực doanh nghiệp nhà nước khi đó sẽ hoạt động dưới hình thức sở hữu hỗn hợp, thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán, tuân thủ các nguyên tắc của thị trường, chịu sự giám sát của thị trường…

Trong Dự thảo cũng đề cập các vấn đề liên quan đển đổi mới quản trị doanh nghiệp nhà nước, cơ chế giám sát, kiểm tra của cơ quan đại diện chủ sở hữu đảm bảo tuân thủ thông lệ, chuẩn mực cao của thế giới.

Ông đã nhắc đến yêu cầu hoàn tất xử lý các dự án kém hiệu quả, thua lỗ. Hiện tại, việc này đang được thực hiện khá chậm?

Đây là một phần nội dung quan trọng của Đề án. Các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, trì trệ ở đây không chỉ là 12 dự án vẫn hay được nhắc đến, mà gồm các dự án của doanh nghiệp nhà nước đã và sẽ thực hiện, nếu rơi vào tình trạng này sẽ có nguyên tắc xử lý, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, để lưu cữu kéo dài.

Nguyên tắc được đề xuất là xử lý đúng pháp luật, đúng thẩm quyền, đúng người, đúng việc, tuân thủ nguyên tắc thị trường và không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý.

Đúng thẩm quyền ở đây được hiểu là thẩm quyền ở cấp nào, cấp đó có trách nhiệm xử lý, nếu vượt mới phải báo cáo lên cấp cao hơn. Vấn đề nào của doanh nghiệp, doanh nghiệp xử lý, vấn đề nào của đại diện chủ sở hữu nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hay Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) phải có trách nhiệm. Những vấn đề vượt thẩm quyền thì mới phải trình các bộ, ngành hay Chính phủ.

Theo nguyên tắc thị trường có nghĩa là theo giá cả thị trường để thực hiện chuyển nhượng vốn, thanh lý tài sản tùy theo từng trường hợp. Các dự án sẽ phải thuê tư vấn định giá lại.

Quan điểm của chúng tôi là một dự án kém hiệu quả, thua lỗ, khi bán chỉ cố gắng thu hồi được tối đa, phần mất đi, không thu hồi được sẽ phải xử lý theo quy định của pháp luật về những vi phạm trong quá trình triển khai dự án. Không thể áp đặt nguyên tắc bảo toàn vốn trong những trường hợp này.

Việc xử lý 12 dự án kém hiệu quả ngành công thương giai đoạn trước bị chậm cũng bởi không làm rõ được các vấn đề trên, thưa ông?

Thực tế, việc xác định thẩm quyền của nhiều dự án chưa rõ, khiến xử lý không đúng thẩm quyền, thậm chí đùn đẩy, không dám làm.

Ví dụ, với trường hợp Dự án Ethanol Bình Phước, do PVOil – công ty con của PVN góp 30% vốn, cổ đông đa số muốn dừng dự án thì Hội đồng Thành viên PVN và PVOil có trách nhiệm phải xử lý, có thể theo hướng nếu đã trích lập dự phòng đầy đủ thì bán lại cho nhà đầu tư. Dự án này không thuộc thẩm quyền xử lý của đại diện chủ sở hữu.

Hoặc với Dự án Giấy Phương Nam sẽ không thể thực hiện được phương án bán, vì dự án không thể phát triển được, không có đường ra thì không ai mua. Phải thực hiện theo hướng thanh lý toàn bộ tài sản, thu hồi tối đa phần còn lại, giải phóng diện tích đất để địa phương có phương án sử dụng phù hợp với kế hoạch mới.

Ngoài ra, việc xác định giải pháp, cách thức xử lý đáng ra phải bắt đầu từ doanh nghiệp, từ Hội đồng Thành viên hoặc Hội đồng Quản trị – những người hiểu rõ nhất các khúc mắc, các vấn đề về giá trị sổ sách, giá trị thị trường…

Việc tập trung các dự án có tác động tiêu cực lớn tới các ngành như 12 dự án vừa qua là để có sự chỉ đạo dứt điểm, còn thẩm quyền, trách nhiệm xác định rõ bệnh và giải pháp phải từ doanh nghiệp.

Thống nhất nguyên tắc và cách làm như vậy, thì những người có trách nhiệm thực thi mới thực sự yên tâm để làm. Ví dụ, Tập đoàn Hóa chất sẽ có cơ sở để sớm định giá các phần còn lại của dự án trong danh mục để bán, chuyển nhượng. Nhà đầu tư mới cũng sẽ yên tâm mua đúng giá thị trường.

Khi các dự án này được xử lý nhanh sẽ giúp giảm các khoản chi phí phát sinh, cũng là hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước – công ty mẹ của các dự án này, có thêm điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong trường hợp này là gì, thưa ông?

Cơ quan này là cầu nối giữa doanh nghiệp nhà nước có dự án trong danh sách phải xử lý với các bộ, ngành, từ đó tham gia đề xuất khung khổ pháp lý, cơ sở pháp luật cho việc thực hiện xử lý các dự án.

Để làm được điều này, nguyên tắc làm việc vẫn phải là quyết tâm, dám làm, dám chịu trách nhiệm và chia sẻ với doanh nghiệp.

Hiện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã trình giải pháp, hướng xử lý cho từng dự án, Bộ Tài chính thẩm định và trình Chính phủ trong tháng 4 này.