Khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa chấm dứt
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, các chuyên gia kinh tế cho rằng thách thức lớn hiện nay cản trở kinh tế toàn cầu phục hồi là tỷ lệ thất nghiệp đang tăng mạnh và xu hướng này có thể vẫn tiếp diễn.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) số người thất nghiệp trên toàn thế giới có thể tăng thêm 59 triệu người trong năm 2009 so với năm 2007 (tăng 31%).

Cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Francois Bourguignon nhấn mạnh: “trong một nền kinh tế không bị suy giảm nhưng tăng trưởng yếu ớt, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng”.

Điều đó có nghĩa là thu nhập hộ gia đình sẽ tiếp tục giảm và do đó, sức tiêu thụ – một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, có thể sẽ bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, kinh tế thế giới sẽ trì trệ và đạt mức tăng trưởng thấp trong một thời gian dài.

Bên cạnh đó, khả năng phục hồi của hệ thống ngân hàng cũng là “trở ngại lớn” khiến nền kinh tế toàn cầu khó có thể lấy lại đà tăng trưởng, đặc biệt tại châu Âu, nơi các công ty phụ thuộc vào ngân hàng để tài trợ cho hoạt động đầu tư.

Chuyên gia Nicolas Veron, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Bruegel ở Brussels (Bỉ) cảnh báo: “Nếu chúng ta không vén bức màn bí mật hệ thống ngân hàng, có nguy cơ tốc độ tăng trưởng ở châu Âu sẽ bị sụt giảm hàng loạt”.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng tài chính công của một số nền kinh tế phát triển sụt giảm mạnh, do phải tung ra các gói kích thích kinh tế khổng lồ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo nợ nhà nước của các nền kinh tế phát triển có thể lên tới 120% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2014.

Trong khi đó, Cơ quan đánh giá tín dụng quốc tế Moody cho biết sự giảm sút tài chính công hiện là khía cạnh chính của cuộc khủng hoảng./.
Nguồn: TTXVN