Kiểm toán cũng vướng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, nguồn vốn đầu tư công ngày càng giảm, guồng máy tái cơ cấu bắt đầu khởi động… Việc làm thế nào để đảm bảo được nguồn vốn đầu tư công được sử dụng hiệu quả,  không bị thất thoát, lãng phí… đang là bài toán khó đặt ra đối với các cơ quan chức năng

Những so sánh kinh ngạc

Đầu tư công ở VN chiếm một tỉ lệ khá cao trong nền kinh tế (khoảng 38,9% năm 2011). Nhưng nếu xét hiệu quả từ tổng vốn đầu tư, để tăng một đồng GDP cần bỏ ra 5,2 đồng vốn, trong khi hiệu quả ngày càng giảm, tình trạng lãng phí, thất thoát lên đến 20-30%. Đáng nói là trong khi tỉ lệ vốn đầu tư/GDP chia cho tốc độ tăng GDP của khu vực nhà nước khoảng hơn 10 lần thì ở khu vực ngoài nhà nước chỉ dưới 4 lần. Còn nếu so sánh VN với một số nước trong khu vực thì đầu tư công của VN hiện được xem là quá dàn trải, lãng phí, thiếu trọng điểm, thiếu hiệu quả… Hiện VN có 100 cảng biển, trong đó có 20 cảng quốc tế, 28 sân bay, trong đó có 8 sân bay quốc tế. Nếu so sánh với Nhật Bản, một nước có GDP tới 5.000 tỉ USD nhưng chỉ có 4 sân bay quốc tế, Australia có GDP 1.230 tỉ và diện tích lớn nhưng cũng chỉ có 2 sân bay quốc tế.

Trong lĩnh vực tài chính, hiện VN có 100 NH thương mại, 15 khu kinh tế ven biển, gần 30 KKT cửa khẩu, hơn 280 KCN và khoảng 700 cụm công nghiệp. Theo thống kê, trong 10 năm trở lại đây, mỗi tháng VN có thêm 1 khu đô thị mới. VN hiện cũng được xem là nước có tỉ lệ chi phí xây dựng đường đắt nhất thế giới mà rõ nhất là đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa,  Hoàng Cầu – Ô chợ Dừa (Hà Nội). Chi phí xây dựng đường cao tốc ở Mỹ chỉ có 5,8 triệu USD/1km, 4 làn xe; Trung Quốc (giai đoạn 2003-2006) chỉ có 3,7 triệu USD/km, Indonesia (2007) 5,5 triệu USD/km. Còn ở VN, xây dựng đường cao tốc TP HCM – Trung Lương (2010) 9,9 triệu USD/km, TP HCM – Long Thành – Dầu Giây 18,3 triệu USD/km…

Kiểm toán không xuể

70% trong tổng mức đầu tư dự án thường là vốn vay nên DN không phải tuân thủ bắt buộc của nhà nước về lựa chọn nhà thầu và quản lý chi phí.

Ông Vũ Thanh Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp – Kiểm toán nhà nước (KTNN) cho biết, hiện nay, mỗi năm KTNN mới kiểm toán được khoảng 4 – 50% số tỉnh, TP, bộ… trong đó mỗi tỉnh (bộ) cũng chỉ kiểm toán được khoảng 50% số huyện và mỗi huyện cũng chỉ kiểm toán được 2-3 xã. Quy mô chọn mẫu trong từng cuộc kiểm toán cũng còn hạn chế, trong đó lĩnh vực đầu tư dự án chỉ khoảng 200 dự án/năm trong khi có đến hàng chục ngàn dự án được triển khai.”Trên thực tế, phạm vi kiểm toán hiện nay mới tập trung kiểm toán một giai đoạn của quá trình đầu tư và thường tiến hành khi công trình đã hoàn thành. Trong khi các giai đoạn khác của quá trình đầu tư thất thoát và lãng phí là không nhỏ” – ông Hải nói.

Ông Khương Tiến Hùng – Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI giải thích, khối lượng công tác đầu tư xây dựng tại các DNNN rất lớn, phạm vi rộng từ đầu tư xây dựng dân dụng và đầu tư xây dựng chuyên ngành, thực hiện phân tán tại Cty mẹ và các đơn vị thành viên dẫn đến khó khăn trong việc xác định mục tiêu, nội dung, phạm vi đối tượng kiểm toán. “Nếu thực hiện chọn một vài dự án để thực hiện kiểm toán theo quy trình kiểm toán đầu tư thì có thể kiểm toán sâu, chi tiết, cụ thể những tồn tại của dự án đó nhưng không đủ để khái quát, đánh giá tình hình cả DNNN đuợc kiểm toán” – ông Hùng nhấn mạnh. Vì vậy, để có thể đánh giá tình hình, cần kiểm toán theo hướng kết hợp kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động đối với toàn bộ dự án và các đơn vị thành viên, đồng thời với việc kiểm toán quyết toán vốn đầu tư tại một hoặc hai dự án.

Việc lãng phí, thất thoát ngân sách có phần nguyên nhân là công tác quản trị chưa tốt, khó áp đặt các cơ chế kiểm soát lên hoạt động đầu tư công, đặc biệt là do thiếu chế tài nên kiểm toán hiện nay chưa được đặt đúng chỗ.

Quốc Anh
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp