Kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu: Doanh nghiệp lĩnh hậu quả
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Như báo DĐDN đã từng đưa tin, việc kiểm định hiệu suất năng lượng tối thiểu các thiết bị máy móc đang bị Bộ Công Thương bó buộc bằng việc chỉ định các đơn vị kiểm định, trong khi các đơn vị này lại hạn chế về năng lực (mỗi đơn vị chỉ kiểm tra được một hoặc một số sản phẩm) và vị trí không thuận lợi đang khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp “khóc dở mếu dở”

Cụ thể như trường hợp một DN sản xuất giày thể thao xuất khẩu và bán thành phẩm giày ở Đồng Nai nhập khẩu motor về để thay thế cho máy móc, thiết bị trong dây chuyền sản xuất. Sản phẩm được nhập khẩu về tại cảng khu vực phía Nam nhưng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) lại chỉ định doanh nghiệp đi kiểm định tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 (Quatest 1) ở Hà Nội, trong khi tại TP HCM cũng có Trung tâm kiểm định.

Do motor quá to nên DN phải chi tiền thuê máy bay chở motor ra Hà Nội, thêm vào đó là chi phí thử nghiệm và các chi phí liên quan khác khiến cho chi phí của DN đội lên gấp đôi so với giá mua chiếc motor. Đã vậy, thủ tục kiệm định đến nay kéo dài tới 3 tháng vẫn chưa xong khiến DN chưa thể hoàn tất thủ tục nhập khẩu.

Bài liên quan

Một doanh nghiệp khác ở Đồng Nai cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Nhập khẩu 19 cái motor từ tháng 3/2016, nhưng đến nay vẫn chưa xong thủ tục do công ty phải thuê phương tiện chở 19 chiếc motor từ Đồng Nai ra Hà Nội làm kiểm định, cộng thêm thời hạn kiểm tra và nhận kết quả kéo dài. Đến nay, việc sản xuất của công ty vẫn bị đình trệ do chưa có motor để gắn vào dây chuyền sản xuất.

Quy định buộc các sản phẩm điện, điện tử… phải kiểm tra hiệu suất năng lượng với từng lô hàng là không cần thiết và không phù hợp với cách làm của các nước hiện nay.

Yêu cầu “vô lý”?

Theo Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), các nhà sản xuất và công ty NK sản phẩm tiêu thụ điện đang phải đối mặt với những thách thức lớn để đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ về dán nhãn và chứng nhận tiêu chuẩn điện năng tối thiểu bởi hiện chưa có hướng dẫn cụ thể nào về mặt thủ tục, đặc biệt đối với trường hợp cơ sở sản xuất ở ngoài nước.

AmCham cho rằng, hầu hết các hãng sản xuất thiết bị điện tử nổi tiếng trên toàn thế giới như Apple, Dells, Canon, Sony, HP, Samsung… đang áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về hiệu quả năng lượng. Sản phẩm của các hãng trên đã được kiểm tra bởi các đơn vị được thế giới công nhận trước khi được đưa ra thị trường. Do đó, quy định buộc các sản phẩm này phải kiểm tra lại là không cần thiết và không phù hợp, đặc biệt là trong hoàn cảnh hạn chế về năng lực và nguồn lực tại các đơn vị tại Việt Nam.

AmCham cho rằng, đây là yêu cầu vô lý và đang “biến” Việt Nam thành quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới yêu cầu kiểm tra đối với từng lô hàng.

AmCham cũng kiến nghị nên chấp nhận kết quả kiểm tra của các lô hàng của cùng một mặt hàng.

Minh Nguyên
Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp điện tử