Kiến nghị đánh thuế tiền gửi tiết kiệm bị phản đối dữ dội
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đánh thuế tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu để cứu bất động sản?

Vị Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng nên đánh thuế thu nhập với những người gửi tiền từ 500 triệu trở lên để đổ vào sản xuất kinh doanh

Ngoài những giải pháp quen thuộc mà Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh nhiều lần đề xuất như giảm lãi suất cho vay với người mua nhà, doanh nghiệp hay chia tách căn hộ… Kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước, ông Châu đề xuất sửa đổi chính sách lãi suất tiết kiệm thực dương (cao hơn chỉ số lạm phát); và chính sách không đánh thuế trên thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm hiện nay.

Đáng chú ý, ông Châu lại đề nghị đánh thuế thu nhập trên những khoản tiền gửi tiết kiệm trên mức 500 triệu đồng, để chuyển hướng dòng tiền vào đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Theo vị chủ tịch HoRea trước đây các hình thức gửi tiết kiệm đều không bị đánh thuế để khuyến khích người dân tiết kiệm. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn những người có tiền gửi ngân hàng, những người mua trái phiếu, kỳ phiếu… là những đối tượng có thu nhập khá trở lên, nên cần thiết phải đánh thuế để bổ sung thêm nguồn thu cho ngân sách, khuyến khích đầu tư.

Ngoài ra, đại diện doanh nghiệp bất động sản phía Nam cho rằng việc cấp bách cần làm ngay lúc nay để làm ấm lại thị trường bất động sản là Ngân hàng Nhà nước cần hướng dẫn thực hiện ngay việc cung ứng nguồn vốn hỗ trợ 20.000 – 40.000 tỷ đồng cho người tiêu dùng. Mỗi suất vay khoảng 500 – 600 triệu đồng với lãi suất vay ưu đãi khoảng 6%/năm trong thời hạn 20 – 30 năm cho người mua căn nhà đầu tiên (hoặc đang ở chật hẹp bình quân dưới 8m2/người) khi mua căn hộ 70m2 với giá bán 15 triệu đồng/m2.

Đây là bản kiến nghị lần thứ hai chỉ trong vài ngày qua của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh gửi tới các cơ quan ban ngành.

Kiến nghị của Horea “thiếu hiểu biết, vô đạo đức“!

Kiến nghị của ông Châu khiến cho dư luận “dậy sóng”. Các trang báo mạng đưa nhiều ý kiến phản hồi, gần như 100% các ý kiến đều trái chiều với đề nghị của ông Châu. Thậm chí, nhiều ý kiến phản đối gay gắt, cho rằng Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh kiến nghị vô lý, mang “màu sắc lợi ích nhóm”.

Trên báo PL TP HCM, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy bán Giám sát Tài chính Quốc gia nói đây là kiến nghị Bất tri lý. “Kiến nghị này tác động trực tiếp đến người gửi tiết kiệm là vô lý. Vì nó là loại vốn quyết định sự tồn tại của hệ thống ngân hàng (NH) thương mại. Nếu đánh may ra chỉ đánh thuế lợi nhuận của tiền gửi tiết kiệm chứ không ai đánh thuế trực tiếp vào tiền gửi tiết kiệm cả. Nhưng trong điều kiện của Việt Nam thì ngay cả việc đánh vào lợi nhuận tiền gửi tiết kiệm cũng chưa nên. Nhà nước đã đánh thuế vào lợi nhuận của doanh nghiệp (DN) rồi thì hà tất gì đánh thuế vào lợi nhuận tiền gửi tiết kiệm vào lúc này.

Dân chúng có toàn quyền lựa chọn lĩnh vực mà họ đầu tư. Trong trường hợp không lựa chọn được họ gửi vào NH coi như NH lựa chọn đầu tư cho họ. NH cho vay như thế nào vào loại DN nào là việc của NH. NH là người phân bổ tài chính hiệu quả nhất. Nên chuyện đánh thuế tiền gửi tiết kiệm không nên làm và không thể làm.

Để không khuyến khích người gửi tiết kiệm có nhiều cách như hạ lãi suất tiền gửi xuống. Chứ đánh thuế tiền gửi tiết kiệm lại là hình thức tăng lãi suất tiền gửi, làm tăng chi phí vốn và từ đó làm tăng lãi suất cho vay. Cuối cùng DN chả làm được gì. Vì toàn bộ chi phí đánh thuế đó sẽ được cộng vào chi phí vốn của DN.

TS Alan Phan,nguyên Chủ tịch Quỹ Đầu tư Viasa Fund tại Hong Kong cũng cho rằng kiến nghị này “áp lực lên Chính phủ kiếm chác lợi ích”: Hiện nay bất động sản đang bờ vực phá sản nên họ phải tìm mọi cách để nói này nói kia. Tuy nhiên, việc thu thuế tiền gửi tiết kiệm là không thực tế. Vì trong thời buổi kinh tế khó khăn này, tăng thuế này thế kia chỉ làm cho nền kinh tế co cụm lại hơn là phát triển. Chính bởi vậy, đề xuất này chẳng qua là để làm áp lực lên Chính phủ kiếm chút lợi ích về mình.

Trên thế giới họ đánh thuế trên lợi tức. Nghĩa là anh thu nhập cao anh sẽ bị đánh thuế cao. Thu nhập ít hơn sẽ đánh thuế thấp hơn. Đã là thuế thì phải bằng nhau chứ không có chuyện anh này đóng anh kia không đóng. Người gửi tiền tiết kiệm 1 tỉ chẳng hạn được lãi 10 triệu, cộng toàn bộ thu nhập một tháng người đó sẽ phải chịu thuế chứ không phải gửi tiết kiệm sẽ bị đánh thuế. Tuy nhiên, mấy người giàu có tiền tỉ họ cũng không dễ dàng gửi tiền ở ngân hàng để mà chịu đánh thuế cả.

Bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng kiến nghị đánh thuế người gửi tiền tiết kiệm là :Chưa hiểu về thuế thu nhập cá nhân!.

Theo bà Cúc: Nguyên tắc nếu tính thuế TNCN đối với người gửi tiền tiết kiệm là tính trên số lãi tiền gửi mà người gửi được hưởng chứ không phải trên số tiền gửi, chẳng hạn như với lãi suất tương ứng, số lãi hằng tháng nhận được 5 triệu đồng, 10 triệu đồng,…thì dựa vào đó mới tính được mức thuế. Trong khi đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề xuất mức tiền gửi từ 500 triệu đồng trở lên phải chịu thuế là chưa có cơ sở, thiếu căn cứ và chưa hiểu gì về thuế TNCN. Hay nói đúng hơn là không có đạo lý tính thuế.

Trước đây khi soạn thảo Dự thảo Luật Thuế TNCN, ban soạn thảo cũng đã đưa ra việc tính thuế TNCN đối với người gửi tiền tiết kiệm. Thời điểm đó, mức chịu thuế đang ở mức 4 triệu đồng/tháng, giảm trừ gia cảnh 1,6 triệu đồng/tháng, ban soạn thảo đã đưa ra mức chịu thuế áp dụng với trường hợp lãi là trên 5 triệu đồng/tháng, một năm 60 triệu đồng. Tuy vậy sau khi cân nhắc, lấy ý kiến các bộ, ngành, chuyên gia và các đối tượng chịu thuế thì thấy cách làm này không hợp lý và không biết sẽ tiến hành thu ra sao.

Tiền gửi tiết kiệm mang đặc thù riêng, được chia nhiều loại sổ từng thời điểm, việc xác định, tổng hợp lại bình quân năm rất khó khăn, phức tạp. Sau khi lấy ý kiến từ NH Nhà nước và các NH thương mại cho thấy không thể thu lãi từ khoản tiền tiết kiệm người gửi và gây khó cho hoạt động NH. Do đó, nội dung tính thuế TNCN đối với loại hình gửi tiết kiệm cá nhân được loại ra khỏi Luật Thuế TNCN.

Kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM không chỉ không phù hợp mà còn thiếu cả thực tế, không khả thi. Nếu đưa ra mức 500 triệu đồng thì người gửi sẽ xé lẻ ra mức 499 triệu đồng thì làm sao kiểm soát được. Bên cạnh đó nếu kiến nghị vì mục đích đưa dòng vốn vào kinh doanh sản xuất, nhất là để xóa băng bất động sản thì càng khó. Người dân có thể chuyển từ tiền gửi VND sang USD hoặc đầu tư vàng.

TS Lê Đăng Doanh cho rằng bất động sản “Đã ăn dày thì phải chấp nhận trả giá”. Ông nói: Xét thực trạng đời sống hiện nay của các đối tượng hưu trí, công nhân,… họ chỉ sống dựa vào đồng lương tích góp tiết kiệm, xem phần lãi tiền gửi là thu nhập, nếu tính thuế thì không hay, có thể lợi về thuế cho Nhà nước nhưng đánh đổi an sinh xã hội. Ngoài ra, việc kiến nghị đánh thuế với mục đích đưa dòng tiền vào sản xuất kinh doanh là thiếu căn cứ, trước đây các DN bất động sản lãi đậm từ chênh lệch giá các dự án, bây giờ thị trường trầm lắng, họ phải chấp nhận trả giá. Kiến nghị đánh thuế tiền gửi sẽ khiến thị trường NH xáo trộn, người dân đua nhau rút tiền, hệ thống sẽ bất ổn.

Ngân Hà (Tổng hợp từ Dân Trí, PL TP HCM)
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam