Kiến nghị quy định xuất khẩu cá tra là ngành sản xuất đặc thù và có điều kiện
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan Việt Nam, giá trị xuất khẩu cá tra tháng 11 đạt gần 142 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu cá tra 11 tháng đầu năm 2012 đạt 1,597 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thiếu vốn sản xuất

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sự bất ổn nguồn nguyên liệu đã khiến các doanh nghiệp chế biến tiến tới phương án chủ động toàn bộ chuỗi sản xuất từ sản xuất cá giống, thức ăn đến nuôi cá, chế biến xuất khẩu. Trong 4 năm qua, cơ cấu nguồn cung cá tra nguyên liệu đã có sự dịch chuyển rõ rệt, từ chỗ phụ thuộc hoàn toàn vào nông dân nuôi cá đã chuyển sang 70% sản lượng cá tra (1,1 triệu tấn, 6.000 ha) là do doanh nghiệp tự nuôi.

Để phục vụ việc nuôi cá tra, doanh nghiệp phải mua hay thuê đất dài hạn, rồi xây dựng cơ sở hạ tầng với giá trị đầu tư khoảng 2 tỷ đồng/ha; tính ra số vốn mà các doanh nghiệp đã bỏ ra ở khâu này khoảng 8.000 tỷ đồng. Tiếp theo, các doanh nghiệp này tiếp tục đầu tư vốn để nuôi cá với suất đầu tư bình quân khoảng 8-9 tỷ đồng/ha, chu kỳ nuôi 6-8 tháng; đồng nghĩa doanh nghiệp cần số vốn lưu động khoảng 35.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thực tế ngân hàng chỉ cho doanh nghiệp vay trong chu kỳ 4 tháng với hạn mức tín dụng rất thấp. Thiếu vốn, doanh nghiệp phải sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để đầu tư nuôi cá, cộng với lãi suất vay quá cao trước đây khiến tỷ trọng nợ quá hạn của doanh nghiệp ngày càng tăng. Kể từ quý II/2012, tín dụng bất ngờ siết chặt, hạn mức cho vay giảm mạnh nên một số doanh nghiệp buộc phải nhanh chóng bán cá tra philê bằng cách hạ giá bán đi kèm với việc giảm chất lượng để thu hồi vốn có tiền trả lãi suất ngân hàng và vốn vay.

Bên cạnh đó, xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp thương mại không có nhà máy chế biến cá tra cạnh tranh không lành mạnh bằng giá thấp gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, chất lượng và hình ảnh cá tra Việt Nam. Giá xuất khẩu giảm đã kéo theo giá thu mua nguyên liệu cá tra trong nước cũng giảm tương ứng, từ mức 25.000 đồng/kg trong những tháng đầu năm xuống 23.000 đồng/kg vào giữa năm và hiện nay chỉ còn 21.000 đồng/kg.

Thị trường tiêu thụ chậm

Do những khó khăn trong nước cũng như thị trường xuất khẩu, xuất khẩu cá tra đã giảm tại 5 thị trường (EU, ASEAN, Mexico, Brazil và Arập Xêut) trong số 8 thị trường chính nhập khẩu cá tra Việt Nam. Trong 3 thị trường còn lại là Mỹ, Trung Quốc-Hồng Kông, Colombia mặc dù có tăng trưởng nhưng Mỹ và Colombia tăng trưởng không ổn định và càng về cuối năm xu hướng nhập khẩu tại hai thị trường này càng giảm.

Tại thị trường EU, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này hiện chỉ chiếm 24,9% tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam, giảm mạnh so với mức 30,2% của cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, hiện EU vẫn là thị trường chính nhập khẩu cá tra Việt Nam với giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này tháng 11/2012 đạt 29,8 triệu USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Liên tục 8 tháng gần đây, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU có chiều hướng đi xuống, rõ nhất trong tháng 5 và 8 với mức giảm 26% mỗi tháng.

Từ đầu năm đến tháng 8, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ liên tục tăng trưởng đều, nhưng bắt đầu từ tháng 9 đã giảm nhẹ 7,5% và giảm tới 20% mỗi tháng trong tháng 10 và 11. Theo thống kê của Cục Nghề cá Biển Quốc gia Mỹ (NMFS), trong 10 tháng đầu năm 2012, nhập khẩu cá tra và cá rô phi vào Mỹ tăng cùng với lượng dự trữ cá da trơn nội địa nhiều khiến giá cá tra và một số loài cá khác có xu hướng giảm. Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ cá tra và cá rô phi ở Mỹ vẫn chậm cộng với lượng dự trữ cá da trơn ở nước này còn nhiều đã ảnh hưởng đến nhập khẩu cá tra vào Mỹ trong những tháng cuối năm.

Các thị trường ASEAN, Mexico, Brazil và Arập Xêut cũng giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam trong 11 tháng đầu năm nay, trong đó ASEAN giảm nhẹ 1%, Brazil giảm 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái… Xuất khẩu cá tra sang Colombia 11 tháng đầu năm 2012 đạt 46,9 triệu USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng trong thời gian này có tới 6 tháng xuất khẩu giảm và 4 tháng gần đây đều giảm hơn 10%/tháng.

Giải pháp tháo gỡ

Để tháo gỡ những khó khăn của hoạt động chế biến cá tra xuất khẩu, đặc biệt trong năm 2013,, VASEP đã kiến nghị 5 giải pháp gỡ khó đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo đó, kiến nghị Chính phủ quy định xuất khẩu cá tra là ngành sản xuất xuất khẩu đặc thù và có điều kiện. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các ngân hàng thương mại Nhà nước thực hiện giãn nợ và cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp cá tra, chuyển đổi vốn vay ngắn hạn đã sử dụng đầu tư vào nuôi cá sang trung hạn; cơ cấu lại nguồn vay để tăng phân bổ cho vay trung hạn cho mục đích nuôi cá tra; tăng cường hỗ trợ vốn tín dụng ngắn hạn, tăng hạn mức và tiếp tục cho vay theo nhu cầu doanh nghiệp để duy trì nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra.

Bộ NN&PTNT chỉ đạo việc rà soát lại và sửa đổi các quy định hiện hành nhằm tăng cường quản lý việc sử dụng các chất phụ gia tăng trọng và tỷ lệ mạ băng sản phẩm cá tra xuất khẩu theo chuẩn mực quốc tế; xây dựng lộ trình tiến tới không sử dụng phụ gia tăng trọng đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu; chỉ đạo và ưu tiên dành ngân sách thực hiện các dự án lớn và chuyên nghiệp về xúc tiến thương mại phát triển cá tra trong năm 2013 và những năm tới.

Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu cá tra vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm và Thủy sản (NAFIQAD) khẩn trương xây dựng thông tư quy định về hàm lượng, các chất phụ gia tăng trọng… để nâng chất lượng cá tra. Đặc biệt cần có biện pháp chống tình trạng gian lận, phá giá, góp phần bình ổn thị trường xuất khẩu cá tra.

Bộ trưởng cũng cho biết, Chính phủ đã có nghị quyết giao Bộ NN&PTNT xây dựng đề án tăng cường xúc tiến thương mại đối với cá tra, và Bộ đã giao Tổng cục Thủy sản sớm dự thảo và hoàn chỉnh để ban hành thực hiện ngay từ năm 2013. Bộ NN-PTNN cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần có chỉ đạo để các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cá tra.

Thành Công
Nguồn: Báo điện tử Công thương