Kiến nghị tháo gỡ vướng mắc về Luật An toàn thực phẩm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Quy định  thống nhất

Căn cứ Chương VI, Mục 1, Điều 38, Khoản 1 Luật An toàn thực phẩm, ngoài quy định tại Chương III Luật An toàn thực phẩm, thực phẩm nhập khẩu còn phải tuân thủ điều kiện: phải được đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi nhập khẩu.

Tuy nhiên, tại Điều 3 Chương II Nghị định số 38/2012/NĐ-CP lại quy định, sản phẩm thực phẩm phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Như vậy, tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan có yêu cầu người nhập khẩu phải nộp Bản công bố hợp quy hay không hay chỉ cần nộp Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu đối với từng lô hàng (hoặc Giấy đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ quan kiểm tra chuyên ngành đối với từng lô hàng).

Bên cạnh đó, căn cứ Chương VI, Mục 1, Điều 38, Khoản 2 Luật An toàn thực phẩm quy định, ngoài quy định tại Chương III và Chương VI, Mục 1, Điều 38, Khoản 1 Luật An toàn thực phẩm thì các loại thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm biến đổi gen, thực phẩm đã qua chiếu xạ phải có Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) hoặc Giấy chứng nhận y tế theo quy định của Chính phủ.

Thực hiện nội dung trên, khi làm thủ tục hải quan đối với những mặt hàng nêu trên, cơ quan Hải quan có yêu cầu người nhập khẩu nộp Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) hoặc Giấy chứng nhận y tế theo quy định của Chính phủ hay không?

Trước mắt, Cục Hải quan TP.HCM đề nghị, tại thời điểm đăng ký tờ khai hàng nhập khẩu người nhập khẩu chỉ cần xuất trình Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu đối với từng lô hàng (hoặc Giấy đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm).

Các quy định khác về hàng hóa có liên quan đến an toàn thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam như: Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp hoặc Giấy chứng nhận y tế của cơ quan có thẩm quyền cấp đối với các loại thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm biến đổi gen, thực phẩm đã qua chiếu xạ /hoặc; Bản công bố hợp quy do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp… sẽ do Bộ Y Tế, Bộ Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn kiểm tra trước khi cấp Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu đối với từng lô hàng (hoặc Giấy đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm đối với từng lô hàng); các loại chứng từ này không cần phải nộp cho cơ quan Hải quan.

Nhãn hàng hóa, mã HS phải cụ thể

Trước những vướng mắc trên, Cục Hải quan TP.HCM báo cáo Tổng cục Hải quan xem xét và có ý kiến với các Bộ Y Tế, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn khi ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25-4-2012 cần quy định cụ thể về thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu sản phẩm có liên quan đến an toàn thực phẩm.

Đề nghị Bộ Y Tế, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn khi ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 38 cần quy định cụ thể hàng nhập khẩu vào Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chí:

Bao gói chứa thực phẩm hoặc chứa đựng trong các phương tiện phù hợp; phải in nhãn, bao gồm các thông tin: tên hàng hóa, định lượng, tên và địa chỉ cơ sở sản xuất, xuất xứ; mã số (nếu có), hạn sử dụng và các thông tin khác theo quy định của Luật An toàn thực phẩm để cơ quan Hải quan làm căn cứ kiểm tra hàng hóa và ngăn chặn các trường hợp nhập khẩu sản phẩm hàng hóa có liên quan đến an toàn thực phẩm không đúng quy định ngay tại cửa khẩu.

Để có cơ sở đối chiếu hàng nhập khẩu với biểu thuế hiện hành và danh mục phải kiểm tra an toàn thực phẩm, đề nghị Bộ Y Tế, Bộ Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn khi ban hành danh mục hàng hóa phải kiểm tra an toàn thực phẩm kèm theo Thông tư hướng dẫn Nghị định số 38 phải thể hiện mã số HS cụ thể theo biểu thuế nhập khẩu hiện hành./.

Thu Hòa
Nguồn: Báo điện tử Hải quan