Thưa ông, liệu việc thu hồi đất sản xuất nông nghiệp để chuyển sang mục đích sử dụng khác diễn ra rất mạnh trong thời gian gần đây có đe dọa an ninh lương thực của nước ta?
Trong vòng 10 năm qua, mỗi năm nước ta mất khoảng 50.000 ha đất trồng lúa do chuyển sang các mục đích phi nông nghiệp, đặc biệt là để làm các khu công nghiệp, sân golf… Điều đáng nói là, phần lớn diện tích bị thu hồi đều là đất chuyên canh lúa màu mỡ, mà phải mất rất nhiều thời gian để cải tạo, làm giàu chất lượng đất. Trong vòng hai chục năm gần đây, chúng ta đã đảm bảo được lương thực, không những thế còn là một nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới. Thế nhưng, trước tình hình nóng bỏng của vấn đề an ninh lương thực, nếu tiếp tục thu hồi đất lúa thì tình hình sẽ trở nên rất đáng lo ngại.
Chúng ta đã có quy hoạch tổng thể từng vùng, từng địa phương, nhưng trên thực tế nhiều nơi vẫn tự ý thay đổi quy hoạch, lấy đất nông nghiệp đã được quy hoạch để làm khu công nghiệp?
Tôi cho rằng, áp lực về cân đối ngân sách để phát triển kinh tế – xã hội khiến các địa phương đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ… để tăng nguồn thu cho địa phương. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận là, chưa có sự thống nhất giữa các bộ, ngành chức năng về quy hoạch cũng như quản lý đất sản xuất. Ngay trong quy hoạch tổng thể, cũng không quy định cụ thể, chặt chẽ về việc đất nào thì được tiến hành làm công nghiệp, dịch vụ, đô thị…
Vậy thời gian tới, các biện pháp quản lý sẽ được tiến hành như thế nào để giữ đất sản xuất, thưa ông?
Giải pháp quan trọng và có ý nghĩa quyết định để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia là phải ổn định và giữ vững diện tích trồng lúa. Muốn vậy, phải có quy hoạch chi tiết và quản lý thống nhất, đồng thời có các chế tài bắt buộc để quản lý diện tích đất đã được quy hoạch, kiên quyết không chuyển đổi diện tích đất trồng lúa đã được quy hoạch.
Mặc dù chúng ta có thể giữ diện tích đất lúa ổn định, nhưng với quy mô dân số ngày càng gia tăng, sản lượng lương thực liệu có đảm bảo trong thời gian tới?
Hiện sản lượng lúa của nước ta ổn định ở mức 36 triệu tấn, trong đó tiêu thụ trong nước khoảng 75-80%. Theo tính toán, tổng lượng tiêu thụ sẽ tăng bình quân 1%/năm cho tới khi quy mô dân số ở mức 100 triệu người. Ngành nông nghiệp sẽ áp dụng nhiều giải pháp để tăng sản lượng lương thực, như áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất lúa trên một đơn vị diện tích. Mục tiêu là tổng sản lượng lúa năm 2010 sẽ đạt 37,58 triệu tấn, năm 2015 là 38,75 triệu tấn và đến 2020 sẽ đạt 39,63 triệu tấn. Trong đó, lượng tiêu thụ trong nước sẽ tăng từ 27,6 triệu tấn năm 2007 lên 33,2 triệu tấn năm 2020.
Nguồn: Báo Đầu tư