Kiều hối ồ ạt đổ về
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

.

Năm 2006, lượng kiều hối chảy về Việt Nam thông qua các kênh chính thức như ngân hàng, công ty kiều hối đạt 4,7 tỷ USD, tương đương trên 5% GDP. Mới đây, tờ New York Times của Mỹ cũng công bố con số thống kê, năm ngoái tổng số tiền người Việt Nam ở nước ngoài gửi về là 6,82 tỷ USD. Với lượng kiều hối cao ngất ngưởng này, Việt Nam đứng thứ hai ở khu vực Đông Nam Á và thứ tư tại Châu Á.

Ước đoán của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, năm nay riêng địa bàn này sẽ đón ít nhất 3,6 tỷ USD kiều hối, tăng so 600 triệu USD so với năm ngoái. 

Những tháng cuối năm cũng là lúc cao điểm về chuyển kiều hối của các ngân hàng. Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (Dong A Bank) cho biết, 10 tháng đầu năm, Công ty kiều hối Đông Á đạt doanh số 770 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ tính riêng trong tháng 11, đã có 70 triệu USD ngoại hối chuyển qua hệ thống Đông Á, dự báo cả năm con số này sẽ là 850 triệu USD, tăng 40% so với năm 2006.

Trưởng phòng kiều hối Ngân hàng Công thương Việt Nam (Incombank) Ngô Xuân Hải cũng cho hay, lượng kiều hối dự kiến qua ngân hàng này trong năm 2007 sẽ tăng khoảng 50% so với năm 2006. Năm ngoái, nhà băng này chiếm 10% thị phần kiều hối cả nước, ước đoán năm nay con số sẽ tăng lên 15-16%. Trong đó, ngoài những thị trường quen thuộc như Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Đài Loan, năm nay Trung Đông trở thành một nguồn kiều hối quan trọng do số lượng lao động Việt Nam làm việc tại đây tăng lên đáng kể.

Công ty kiều hối Sacomrex thuộc Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đang giữ kỷ lục với 840 triệu USD doanh số ngoại hối “đi” qua hệ thống sau 11 tháng. Dự kiến, đến cuối năm Sacomrex sẽ cán đích 930 triệu USD, tăng 41% so với năm trước. Lượng kiều hối chuyển về qua hệ thống Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) cũng tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó ở thị trường Mỹ chiếm đến 50%.

Nhằm gia tăng doanh số kiều hối, Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đang tính đến chuyện lập công ty kiều hối, liên kết với các doanh nghiệp lập đại lý chi trả, cũng như tìm kiếm đối tác tại thị trường Châu Âu… cũng như liên kết với các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu lao động để hút nguồn kiều hối từ đối tượng đi xuất khẩu lao động. Tính đến cuối tháng 11, Eximbank đã đạt doanh số kiều hối 320 triệu USD, dự đoán đến cuối năm con số này sẽ là 400 triệu USD.

Ông Nguyễn Ngọc Lân, Vụ phó Vụ Quản lý ngoại hối – Ngân hàng Nhà nước, dự báo, nguồn kiều hối chảy về Việt Nam sẽ ngày càng lớn, do việc chuyển tiền dễ dàng hơn, lượng người Việt lao động ở nước ngoài gia tăng. Hiện Ngân hàng Nhà nước chưa có thống kê về nguồn kiều hối được đầu tư vào những kênh nào trong nước, song theo ông Lân, môi trường trong nước đang khá hấp dẫn đối với nguồn tiền này.  

Lượng kiều hối chảy về Việt Nam tăng cao nhờ sự lớn mạnh của thị trường chứng khoán, song song đó, nhiều cơ hội đầu tư thu lãi từ địa ốc đang mở ra khiến Việt kiều mạnh dạn gửi tiền về. “Điều này khác hẳn với trước kia, nguồn kiều hối chủ yếu dùng để tài trợ cuộc sống, đáp ứng nhu cầu mua sắm cuối năm. Hoạt động xuất khẩu lao động ngày càng phát triển mạnh mẽ cũng khiến nguồn kiều hối về Việt Nam ngày càng dồi dào hơn”, Tổng giám đốc Dong A Bank nhìn nhận.

Trưởng phòng ngoại hối Incombank cũng cùng ý kiến trên khi cho rằng, ngoài việc chuyển tiền về hỗ trợ thân nhân, thời gian gần đây nguồn kiều hối cũng đổ về cho mục đích kinh doanh như nhờ người thân mua nhà hay để kinh doanh do chính sách liên quan đến kiều hối đã thoáng hơn trước. Thêm nữa, mối quan hệ với kiều bào ngày một tốt hơn cũng là một lý do đưa lượng tiền gửi về tăng lên.

“Thủ tục nhanh chóng cũng khiến nhiều người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về. Hiện thời gian chuyển tiền chỉ khoảng một ngày, nếu cùng múi giờ có thể chỉ vài giờ sau người nhận có thể lĩnh tiền tại Việt Nam”, ông Ngô Xuân Hải nói.

Theo VnExpress.net