Kiên quyết chống mọi biểu hiện tham nhũng, tiêu cực 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
“Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm”. Đây là một trong những nhận định nêu trong Báo cáo tổng kết về công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 – 2020 tại Hội nghị toàn quốc vừa qua. Đánh giá này đã phản ánh đúng những kết quả, nỗ lực của các cấp, các ngành, cho thấy bước đầu đạt được mục tiêu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng” của Đảng và Nhà nước ta.

Khách quan, sát với tình hình

Theo đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 – 2020, việc đánh giá “tham nhũng có chiều hướng thuyên giảm” là không chủ quan. Bởi lẽ, sự đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cũng như sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế là minh chứng cho điều đó.

Nhớ lại năm 2007, khi bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, Khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và Luật Phòng, chống tham nhũng, tình hình tham nhũng đang diễn ra rất nghiêm trọng. Tham nhũng được coi là một trong những nguy cơ lớn, đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Cùng năm, Tổ chức Minh bạch quốc tế khảo sát, xếp hạng Việt Nam đứng thứ 123/180 quốc gia, vùng lãnh thổ, cho thấy mức độ rất nghiêm trọng của tình hình từ góc nhìn của người dân, các chuyên gia và tổ chức quốc tế. Đến năm 2012, qua tổng kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy, chúng ta cũng đã làm được nhiều việc, tạo được những chuyển biến nhất định làm tiền đề cho những kết quả tích cực đạt được, song tình hình tham nhũng vẫn còn trầm trọng. Việt Nam vẫn tiếp tục đứng thứ 123 trong bảng xếp hạng quốc tế nêu trên.

Bước sang năm 2013, thời điểm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban chỉ đạo), nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, và vai trò đặc biệt quan trọng của Ban Chỉ đạo, tình hình “tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm”. Công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng đạt kết quả rất tích cực. Từ vị trí 123, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 96/180 quốc gia, vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch quốc tế, vượt 27 bậc so với năm 2012. Đây là nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam trong bối cảnh các quốc gia khác cũng rất tích cực, nỗ lực thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng theo yêu cầu của Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng.

Bởi vậy, việc đánh giá, dự báo “tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm” là phản ánh khách quan, sát với tình hình và chắc chắn sẽ tiếp tục nhận được sự đồng tình ủng hộ của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Điều này là minh chứng thể hiện rõ nét vai trò quan trọng của Ban Chỉ đạo kể từ khi thành lập đến nay và trong thời gian tới.

Không để “tham nhũng vặt” trở thành “tham nhũng lớn”

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 – 2020, báo cáo của đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết, thời gian qua, trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ở nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác; lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật; lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định, không công bằng, không khách quan… Tình trạng này còn được gọi là “tham nhũng vặt” – căn bệnh mà Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng ví như “ngứa ghẻ”, rất khó chịu.

Trước tình trạng đó, Ban Chỉ đạo đã có chỉ đạo quyết liệt. Chính phủ cũng đã khẩn trương triển khai các biện pháp để phòng, chống “tham nhũng vặt”. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 22.4.2019 về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Các cấp, các ngành đã triển khai đồng bộ, toàn diện các biện pháp theo yêu cầu của Chỉ thị và đạt được những kết quả bước đầu.

Mặc dù vậy, tình trạng này vẫn còn diễn biến phức tạp, tinh vi hơn. Dư luận quần chúng nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn bức xúc với những biểu hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp mà bản chất hầu hết đều là nhằm mục đích vòi vĩnh, tiêu cực, vụ lợi, đại diện Thanh tra Chính phủ chỉ thẳng. Tình trạng đó không những làm phát sinh tăng chi phí không chính thức trong giao dịch giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan nhà nước mà nghiêm trọng hơn là đã xâm phạm tính đúng đắn trong hoạt động quản lý nhà nước, làm xói mòn niềm tin của nhân dân, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh và việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục có những biện pháp cụ thể, kiên quyết hơn nhằm giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Để làm được điều đó, theo đại diện Thanh tra Chính phủ, từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ của mình đều phải nỗ lực góp sức, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và của các cơ quan thanh tra nhà nước.

Thực tiễn cho thấy, thời gian vừa qua, ngành thanh tra đã khắc phục được nhiều hạn chế trong phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra. Ngành cũng đã nỗ lực thanh tra, kết luận, chuyển cơ quan điều tra nhiều vụ việc sai phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, từ đó cơ quan điều tra đã khám phá, xử lý nhiều vụ án tham nhũng, trong đó có cả những vụ án lớn thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các cơ quan thanh tra nhà nước trong việc phòng, chống “tham nhũng vặt”, phát hiện, xử lý những hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp mới đạt kết quả bước đầu và còn hạn chế. Có nguyên nhân khách quan, nhưng nhìn chung phần nhiều vẫn là những nguyên nhân chủ quan, đại diện Thanh tra Chính phủ thừa nhận.

Để nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng nói chung và ngăn chặn có hiệu quả hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp nói riêng, với chức năng, nhiệm vụ của mình, trong thời gian tới ngành thanh tra cho biết, sẽ tiếp tục tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, sẽ lựa chọn để thanh tra công vụ, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật ở những khâu, hoạt động quản lý thường xuyên có sự tiếp xúc giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp, nhất là những khâu, lĩnh vực đã xảy ra vi phạm hoặc có nhiều dư luận về những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Ngành thanh tra kiên quyết kiến nghị xử lý nghiêm đối với các trường hợp qua thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm theo đúng quy định củạ pháp luật với phương châm hành động là: “Kiên quyết chống mọi biểu hiện tham nhũng. Xử nghiêm, xử mạnh theo đúng quy định của pháp luật, không để “tham nhũng vặt” ngày hôm nay trở thành “tham nhũng lớn” ngày mai”. Qua đó, góp phần thiết thực củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, người dân, doanh nghiệp với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm nói “đi đôi với làm” trong “cuộc chiến” lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, làm thường xuyên, liên tục với quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước ta.