Kinh doanh qua mạng: Cửa thoát hiểm cho nhà bán lẻ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tại Hội thảo “Thế giới & Việt Nam – Dự báo 2012” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Vietnam CEO tổ chức cuối tuần qua, ông Thiều Phương Nam, Phó tổng giám đốc IBM Việt Nam nhận định: “Đầu tư công nghệ trong việc xây dựng chuỗi bán lẻ sẽ hỗ trợ việc thanh toán, cải tạo phần mềm dây chuyền cung ứng để loại bỏ chi phí không đáng có, đồng thời tạo thuận lợi để áp dụng kênh kinh doanh qua mạng”.

Trên thực tế, đã có không ít doanh nghiệp thành công khi đi theo hướng này. Trung tâm Mua sắm Sài Gòn – Nguyễn Kim và Thế giới Di động là những thí dụ.

Liên tục được xếp hạng trong Top 500 nhà bán lẻ lớn nhất châu Á – Thái Bình Dương trong 5 năm liền, được 99% người tiêu dùng bình chọn là Trung tâm điện máy số 1 Việt Nam, Trung tâm Mua sắm Sài Gòn – Nguyễn Kim đã thu hút sự quan tâm của khu vực bởi thành quả và tốc độ phát triển nhanh chóng. Trong 10 năm đầu tham gia thị trường bán lẻ, Nguyễn Kim chỉ có 4 siêu thị, nhưng chỉ trong năm 2011, Nguyễn Kim đã khai trương tới 20 siêu thị trên toàn quốc.

Tốc độ không dừng lại ở đó, Nguyễn Kim sẽ mở thêm ít nhất thêm 12 trung tâm vào năm 2012 và phát triển hệ thống 40 – 45 trung tâm mua sắm tại 32 tỉnh, thành phố trên toàn quốc vào năm 2015.

Tuy nhiên, mục tiêu và vị thế của Nguyễn Kim có thể sẽ bị lung lay nếu không đầu tư các ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chuỗi cung ứng. Ông Phan Linh Phương, Phó giám đốc marketing của Nguyễn Kim cho biết: “Đối với lĩnh vực bán lẻ, sản phẩm điện máy – kỹ thuật số có lượng hàng hoá phong phú, để một hệ thống trên cả nước được vận hành trôi chảy và nhanh chóng, nhất thiết phải dựa vào vai trò quan trọng của công nghệ thông tin”.

Cũng nằm trong ngành bán lẻ, Thế giới Di động được biết đến nhờ sự bùng nổ tiêu dùng các sản phẩm di động và thương mại điện tử trong gần 10 năm qua. Doanh thu của Thế giới Di động đã tăng mạnh từ dưới 1.000 tỷ đồng năm 2007 lên 3.000 tỷ đồng (150 triệu USD) năm 2010 và dự kiến sẽ đạt 6.000 tỷ đồng năm 2011. Bí quyết của Thế giới Di động, ngoài việc xây dựng hệ thống quản trị và vạch ra chiến lược rõ ràng qua từng giai đoạn, không thể thiếu đầu tư cho công nghệ trong việc xây dựng chuỗi bán lẻ, đặc biệt khi xu hướng tiếp thị sản phẩm hầu như được thực hiện qua mạng cá nhân.

Ông Đinh Anh Huân, Giám đốc kinh doanh của Thế giới Di động cho biết: “Với quy mô trên 200 siêu thị trên cả nước, song nhờ áp dụng giải pháp quản trị nguồn lực doanh nghiệp ERP (Enterprise Resource Planning), chúng tôi quản lý việc kinh doanh của các cửa hàng ở bất kỳ nơi đâu mà không cần đến sự giám sát trực tiếp của ban lãnh đạo”. Ngoài ra, để mối quan hệ với khách hàng gần gũi và chu đáo, công ty này đang đầu tư xây dựng hệ thống chăm sóc khách hàng (CRM) nhằm quản lý đầy đủ và chính xác thông tin khách hàng để phục vụ kịp thời và tốt nhất.

Có thể nói, cạnh tranh trên thị trường đang cực kỳ khốc liệt, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức mua giảm, tác động mạnh đến các mô hình kinh doanh bán lẻ vốn phải gánh chịu nhiều chi phí. Tuy nhiên, đây vẫn là thị trường tiềm năng thu hút nhiều nhà đầu tư có khả năng tài chính đủ mạnh cùng với chiến lược khai thác thị trường dài hạn và chuyên nghiệp.

Vài năm trở lại đây, khách hàng đã ứng dụng công nghệ điện thoại thông minh và Internet trong việc mua hàng. Nhờ vậy, họ có thể dễ dàng tìm được những món hàng muốn mua và đặt hàng trước khi đến cửa hàng. Wal-Mart Stores, một trong những hãng bán lẻ lớn nhất thế giới đã rất thành công với hình thức mua hàng hiện đại này. Hãng đã ứng dụng dịch vụ Shopycat hỗ trợ đi chợ Wal-Mart từ mạng xã hội Facebook, nhằm thúc đẩy khách hàng mua hàng trực tuyến. Ứng dụng này giúp người dùng Facebook có thể lựa chọn các sản phẩm đang nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng, ở từng chủ đề riêng biệt hiện có trên Wal-Mart, sau đó mua và gửi tặng bạn bè hoặc người thân đang tham gia Facebook.

Rõ ràng, đầu tư công nghệ để phát triển bán hàng qua mạng đang là giải pháp rất hiệu quả mà các nhà bán lẻ, phân phối theo chuỗi của Việt Nam có thể học hỏi, ứng dụng để có thể cạnh tranh và phát triển.

Nguồn: Báo Đầu tư điện tử