Kinh doanh vàng miếng: Hệ lụy từ chính sách
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Một số DN và các chuyên gia cho rằng NHNN nên nới điều kiện để cho phép các Cty kinh doanh vàng đủ tiêu chuẩn được sử dụng thiết bị máy móc dập thuê vàng thương hiệu SJC

Việc ngưng sản xuất vàng miếng của 7 DN trong thời gian qua theo yêu cầu của NHNN đã gây thiệt hại không nhỏ đối với nhiều DN. Theo tính toán sơ bộ thì có tới hàng trăm lao động sẽ mất việc hoặc phải tìm cách chuyển đổi nghề. Còn đối với các DN mới tham gia sản xuất còn phải chịu thiệt hại thêm khoản tiền đã phải bỏ ra để nhập dây chuyền máy móc sản xuất và xây dựng thương hiệu. Một số DN và các chuyên gia cho rằng NHNN, nên nới điều kiện để cho phép các Cty kinh doanh vàng đủ tiêu chuẩn được sử dụng thiết bị máy móc dập thuê vàng thương hiệu SJC. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đây vẫn là bài toán bỏ ngỏ.

Ông Nguyễn Thanh Trúc – Chủ tịch HĐQT Cty vàng bạc đá quý Agribank cho biết: đã mấy tháng nay máy móc thiết bị để không. Do chưa có công bố cụ thể nên chúng tôi cũng chưa có phương án sử dụng số thiết bị máy móc này trong thời gian tới như thế nào. Nếu chuyển sang dập trang sức cũng khó vì hiện nay nhu cầu cũng như thẩm mỹ của khách hàng rất cao, đòi hỏi phải có độ tinh xảo. Trong khi chờ đợi chúng tôi tạm thời cho công nhân sản xuất vàng miếng trước đây đi học làm vàng trang sức. Phương án chuyển sang gia công vàng miếng SJC là hoàn toàn làm được nhưng liệu NHNN có cho phép làm hay không? Cơ chế như thế nào? Điều này vẫn đang bỏ ngỏ. Bởi để sản xuất vàng miếng SJC thì chỉ cần mua thêm khuôn, khoảng 4.000USD/khuôn.

Đề suất của ông Trúc nghe có vẻ hợp lý và dễ để thực hiện về mặt chuyển đổi cũng như kỹ thuật nhưng trên thực tế đây là bài toán khó đối với NHNN. Bởi  sẽ không dễ kiểm soát việc gia công vàng miếng của các Cty. Vì khi gia công vàng miếng, mặc dù sẽ có đóng dấu và ký hiệu, seri vàng gia công, nhưng cũng khó kiểm soát được đơn vị nhận gia công liệu có sản xuất thêm vàng để tuồn ra bán ngoài thị trường hay không?.

Máy móc thiết bị đắp chiếu, công nhân mất việc đó cũng mới thỉ là thiệt hại bề nổi mà ai cũng có thể nhìn thấy khi NHNN khai tử các thương hiệu vàng miếng. Trên thực tế những thiệt hại vô hình còn lớn hơn rất nhiều.

Bởi  trước đó một số ngân hàng đã tổ chức huy động tiết kiệm bằng vàng và hiện tại đã đến thời kỳ đáo hạn trong khi đó lại không thể chủ động sản xuất được vàng miếng để chi trả cho khách hàng.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, cho biết: Ngân hàng Agribank đã thực hiện huy động tiết kiệm bằng vàng miếng AAA từ năm  2004, và đến thời điểm hiện tại số dư còn khoảng 2 – 3 tấn vàng. Để đảm bảo tính thanh khoản chúng tôi đã có văn bản xin ngân hàng nhà nước sản xuất vàng miếng AAA chi trả tiết kiệm cho khách hàng nhưng  đến nay vẫn chưa thấy trả lời.

Trong trường hợp không được sản xuất, DN sẽ thiệt hại không nhỏ vì nếu phải lấy vàng miếng SJC ra trả cho khách hàng thì sẽ phải chịu một khoản chênh lệch giá.

DN sẽ thiệt hại không nhỏ vì nếu phải lấy vàng miếng SJC ra trả cho khách hàng.

Cũng phải nói thêm rằng, trong bối cảnh chính sách quản lý vàng thường xuyên thay đổi và giá vàng biến động  thì những rủi ro từ chính sách rất lớn. Còn nhớ năm 2008, một số DN đã tổ chức huy động tiết kiệm đảm bảo bằng vàng. (Ví dụ, thời điểm đó giá vàng là 19 triệu đồng/1 lượng thì khi khách hàng mang gửi 190 triệu đồng sẽ được cấp một cuốn sổ tiết kiệm được đảm bảo bằng 10 lượng vàng. Sau 1 năm nếu giá vàng lên 30 triệu đồng/ lượng thì khi đó ngoài phần lãi, ngân hàng phải trả cho khách hàng khoản tiền tương đương với 10 lượng vàng là 300 triệu đồng.) Để đảm bảo an toàn phòng ngừa rủi ro trượt giá thì buộc ngân hàng phải mua vàng trên tài khoản vàng nước ngoài, nhưng đến năm 2010 NHNN lại bắt đóng tất cả các trạng thái kinh doanh vàng trên tài khoản chậm nhất là 30/3/2010. Điều này làm mất công cụ phòng ngừa rủi ro của ngân hàng và trên thực tế không ít ngân hàng đã lỗ lớn khi giá vàng liên tục tăng cao.

Mới đây nhất, NHNN nước dự kiến sẽ trình Chính phủ đề án huy động vàng trong dân để phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội vào giữa quý II/2012. Đây được không chỉ là kỳ vọng của NHNN mà còn là mong muốn của nhân dân nhưng làm thế nào thì cần có những bước đi hết sức thận trọng bởi từ thực tế nêu trên đã cho thấy rất nhiều hệ lụy phát sinh trong mỗi chính sách đối với vàng trong thời gian vừa qua.

Phan Nam
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp