Kinh tế 4 tháng đầu năm 2008: Những mảng sáng – tối
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Những tín hiệu tốt của nền kinh tế 4 tháng qua là sản xuất công nghiệp đang có chiều hướng tăng so với cùng kỳ năm ngoái, khi đạt mức tăng trưởng 16,7%. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu đạt 18,26 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn giữ được đà tăng trưởng cao, cả nước đã có thêm 210 dự án được cấp giấy phép đầu tư với tổng số vốn đăng ký mới đạt gần 7,3 tỷ USD, tăng hơn 54% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2007. Về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, hiện vụ lúa đông xuân ở các tỉnh miền Nam đã thu hoạch xong, sản lượng có thể vượt 300.000 tấn so với cùng kỳ. Trong báo cáo về tình hình kiểm soát kinh tế vĩ mô tháng 4 và 4 tháng đầu năm cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng có dấu hiệu giảm dần, mức tăng giá tiêu dùng tháng 4 so với tháng 3 tăng 2,2%. 

Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể, nền kinh tế nước ta cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Đó là cán cân thương mại hiện đang ở tình trạng thâm hụt với mức nhập siêu 4 tháng là trên 11 tỷ USD, bằng trên 60% kim ngạch xuất khẩu. Nhưng vấn đề đáng quan tâm là nhập siêu của khu vực đầu tư nước ngoài chỉ chiếm trên 14%, còn lại khu vực trong nước chiếm tới trên 85%. Thực tế này đã diễn ra nhiều năm qua, đặc biệt là tỷ trọng nhập khẩu của các tổng công ty, tập đoàn nhà nước luôn có tốc độ tăng cao. Các chuyên gia kinh tế đã bày tỏ lo ngại khi cho rằng, mức tăng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước không tương xứng với tỷ trọng nhập khẩu và thấp hơn khối doanh nghiệp khác. Do đó, cần làm rõ doanh nghiệp Nhà nước nhập những thiết bị, sản phẩm gì và hiệu quả đến đâu.    

Một vấn đề nổi bật và được chú ý trong thời gian gần đây là diễn biến bất thường của giá gạo trong nước. Câu hỏi được dư luận đặt ra là có hay không tình trạng đầu cơ, găm hàng đẩy giá cao để trục lợi và làm ảnh hưởng đến mục tiêu chống lạm phát của Chính phủ? Theo Bộ Công Thương, đến nay chưa phát hiện dấu hiệu đầu cơ lúa gạo của doanh nghiệp trong nước nhưng có thể xảy ra đầu cơ tại các đại lý phân phối gạo. Chính vì vậy, Tổ điều hành thị trường trong nước và các cơ quan chức năng sẽ phối hợp kiến nghị và xử lý nghiêm các đại lý vi phạm. Đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng, việc đưa thông tin về tình trạng thiếu lương thực trên thế giới cần hết sức thận trọng, vì khi đó người tiêu dùng dễ có tâm lý tích trữ gạo do lo ngại tăng giá. Đây là cơ hội cho các đại lý găm hàng, trục lợi. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức  Phát khẳng định, không có chuyện thiếu gạo phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước. Bộ đã làm việc và thống nhất với UBND TP Hà Nội về việc cho phép các ôtô vận chuyển gạo vào thành phố 24/24h nhằm cung cấp và bình ổn giá gạo tại Thủ đô. Đồng thời, chỉ đạo các tổng công ty lương thực phân phối đủ gạo đến các điểm bán lẻ và đại lý phân phối tại các thành phố lớn, không để xảy ra tình trạng thiếu gạo.  

Ngoài ra, dịch bệnh tai xanh ở lợn đang diễn biến phức tạp và gây ra hậu quả không nhỏ đối với các địa phương. Hiện nay, cả nước đã tiêu hủy 24.000 con lợn với trên 10.000 tấn thịt. Bộ NN và PTNT đặc biệt coi trọng công tác phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh và yêu cầu các địa phương phải khoanh vùng, tiêu hủy tất cả số lợn dịch, không để chế biến và tiêu thụ, kể cả lợn không chết trong vùng dịch, vì có nguy cơ lây nhiễm rộng trên cả nước. Theo Bộ NN và PTNT, nếu không ngăn chặn có hiệu quả thì thiệt hại sẽ vô cùng lớn đối với sản xuất nông nghiệp nói chung và người nông dân nói riêng vốn đang quá khó khăn sau đợt rét đậm rét hại vừa qua, đặc biệt là khu vực phía Bắc. Do đó, nhiệm vụ cấp bách là phải chống dịch hiệu quả. Phương pháp tốt nhất hiện nay là theo dõi sát sao dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi, những nơi xuất hiện dịch bệnh để ngăn chặn sự lây lan.   

Bên cạnh những điểm sáng của nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm thì những khó khăn do chịu tác động từ thị trường thế giới cũng như trong nước đang gây sức ép khó khăn không nhỏ cho nền kinh tế. Nhiệm vụ trước mắt của các Bộ, ngành, địa phương là phải thực hiện tốt các giải pháp kiềm chế tốc độ tăng giá, chống đầu cơ đẩy giá lên cao. Trong bối cảnh như hiện nay, công tác dự báo diễn biến thị trường một lần nữa được nhấn mạnh để giúp các cơ quan chức năng chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thị trường, tránh tác động tiêu cực như việc giá gạo tăng đột biến trong những ngày qua, ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm  phát của Chính phủ.

Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân